Toggle navigation
Metro và câu chuyện đi tắt đón đầu
02/07/2018 | 12:20 GMT+7
Chia sẻ :
Mặc dù đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, mặc dù đã phải trả nợ vay mỗi năm hàng trăm tỷ đồng (với Dự án đường sắt tại Hà Nội), mặc dù lãi vay vẫn phát sinh thêm, nhưng các dự án trên đều nhiều lần chậm tiến độ và chưa thể biết chắc chắn khi nào sẽ hoàn thành

Tuyến Metro số 1 của TP.HCM (Bến Thành – Suối Tiên) được thành phố phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng vào năm 2007. Với mức đầu tư này, dự án không phải trình Quốc Hội thông qua. Năm 2011, sau khi tính toán lại và trên cơ sở ý kiến của một số cơ quan, Thủ tướng Chính Phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 47.000 tỷ đồng. Với mức đầu tư này thì dự án phải được Quốc Hội thông qua.


Tuyến Metro số 2 của TP.HCM (Bến Thành – Tham Lương) được chuẩn bị từ năm 2010, được phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng. Đến năm 2012 lại phải điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức vốn đầu tư được nâng lên thành 40.000 tỷ đồng. Hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc Dự án này có cần trình Quốc Hội thông qua hay không.


Tại Hà Nội, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư 552 triệu USD. Cho đến nay, tổng mức đầu tư của dự án này đã là 892 triệu USD, tăng thêm 340 triệu USD (tương đương khoảng 8.000 tỷ đồng). Phần lớn số tiền tăng thêm, đến 248 triệu USD là giá trị phát sinh thêm của Hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.



Đội vốn tại các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM


Hầu hết tiền đầu tư đều được vay từ Nhật, Trung Quốc, còn lại là phần vốn đối ứng của Việt Nam. Mặc dù đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, mặc dù đã phải trả nợ vay mỗi năm hàng trăm tỷ đồng (với Dự án đường sắt tại Hà Nội), mặc dù lãi vay vẫn phát sinh thêm, nhưng các dự án trên đều nhiều lần chậm tiến độ và chưa thể biết chắc chắn khi nào sẽ hoàn thành. Công trình xây dựng vẫn đang dang dở suốt các tuyến đường dự án, cản trở, gây khó khăn cho nhân dân. Rất nhiều cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường này bị ảnh hưởng, thậm chí phá sản. Hậu quả vật chất và phi vật chất, trực tiếp và gián tiếp có lẽ không thể thống kê.


Có rất nhiều lý do dẫn đến việc đội vốn, chậm tiến độ của các dự án. Các cơ quan chức năng giải thích: do đơn vị tư vấn Việt Nam, chủ đầu tư Việt Nam không có kinh nghiệm; do điều chỉnh công nghệ; do nhà thầu và giám sát Trung Quốc không đủ năng lực … Dường như các giải đáp này chưa làm thỏa mãn được dân chúng. Đây là bài học quá đắt cho đầu tư công, cho việc sử dụng tiền ngân sách, bao gồm cả tiền vay nước ngoài mà Nhà nước phải trả, đây là hậu quả quá lớn thế hệ ngày nay đã để lại cho thế hệ sau. Có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời.


Trong đầu tư phát triển cũng như nhiều lĩnh vực khác, những người đi sau luôn có lợi thế là tránh được “vết xe đổ” của người đi trước, học từ những thành công của người đi trước. Metro, đường sắt trên cao đã phát triển trên thế giới hàng chục năm nay. Đáng ra đi sau phải là thế mạnh của Việt Nam, nhưng rồi chúng ta lại thất bại vì chủ đầu tư không có kinh nghiệm. Chủ đầu tư không có kinh nghiệm, lần đầu làm metro thì phải thuê tư vấn. Đơn vị tư vấn cũng lại không có kinh nghiệm, cũng là lần đầu tư vấn dự án metro. Vậy tại sao Việt Nam không chọn đơn vị tư vấn tốt ngay từ đầu, tại sao chúng ta dám quyết định đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng khi dự án chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng. Sắp tới đây, sân bay Long Thành cũng là lần đầu, đường sắt cao tốc Bắc – Nam cũng là lần đầu, rồi còn bao nhiêu công trình lớn lần đầu khác, liệu chúng ta cần bao nhiêu bài học nữa để có kinh nghiệm.


Với hàng chục ngàn tỷ đầu tư, với các công trình hệ trọng như vậy, tại sao chúng ta không lựa chọn từ đầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, giám sát có năng lực và đưa ra các ràng buộc với họ? Nhà tư vấn, nhà thầu thi công, giám sát không hoàn thành công việc của mình, với tư cách là chủ đầu tư, tại sao chúng ta không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm bồi thường, tại sao không thể chấm dứt hợp đồng với họ? Tại sao các Hợp đồng này có thể được điều chỉnh theo hướng tăng giá trị Hợp đồng mà không chốt giá cố định? Các Hợp đồng giữa chủ đầu tư Việt Nam và các đối tác này liệu có được các đơn vị tư vấn pháp lý có năng lực soạn thảo để bảo vệ quyền lợi cho phía Việt Nam hay không? Ai là người chịu trách nhiệm về các sai phạm gây ra hậu quả hiện tại, chịu trách nhiệm như thế nào?


Với tổng mức đầu tư và tầm quan trọng của các dự án, Quốc Hội cần phải có ý kiến thông qua. Hiện trạng dở dang của các dự án cho thấy Quốc Hội không thể không thông qua mà bắt buộc phải triển khai tiếp, vậy triển khai tiếp như thế nào? Các sai sót, thậm chí sai phạm trong quá trình đầu tư vừa qua có được xác định và xử lý hay không, hay tất cả đều được khoác lớp áo “không có kinh nghiệm”.


Việt Nam đang tụt hậu rất xa với thế giới, nếu lĩnh vực nào cũng cần có kinh nghiệm, nếu dự án đầu tư nào triển khai lần đầu cũng thất bại, thì không những chúng ta không bao giờ đuổi kịp thế giới, mà còn ngày càng tụt hậu. Liệu Việt Nam có quyết tâm và có khả năng đi tắt đón đầu hay không?

Công Tâm

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com