Toggle navigation
Bất thường về người “bảo kê” cho Phạm Công Danh?
22/12/2018 | 03:59 GMT+7
Chia sẻ :
Cuộc chiến chống tham những do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã thu hút được sự chú ý của dư luận trong nước và nước ngoài. Không thể phủ nhận, lần đầu tiên Việt Nam xử lý hàng loạt các quan chức cao cấp: ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, các tướng lĩnh công an …
Mặc dù vậy, không phải là không có những hoài nghi về bản chất của cuộc chiến này, liệu đây có phải là cuộc chiến phe phái, là người tham nhũng này diệt người tham nhũng khác, là quá trình thâu tóm quyền lực, thanh trừng nội bộ…

Cho dù vụ án Phạm Công Danh đã được xét xử đến giai đoạn 2, nhưng cho đến nay, không có một dấu hiệu nào cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đang truy tìm người bảo kê cho Phạm Công Danh, truy tìm nhóm lợi ích đứng sau Phạm Công Danh. Điều đó có thể thấy qua các dẫn chứng sau:

1. Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình đều lĩnh án chung thân vì bị kết luận có hành vi chiếm đoạt khi chi tiêu tiền của Oceanbank, DongABank mà không chứng minh được chi vào việc gì. Mặc dù thực tế không có chứng cứ nào thể hiện Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân.

Ông Hà Văn ThắmThắm - Ảnh: cafef

Ông Trần Phương Bình - Ảnh: Soha


Với số tiền hàng chục nghìn tỷ chi tiêu cho mục đích cá nhân có địa chỉ rõ ràng, lớn hơn gấp nhiều lần số tiền mà Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình chi tiêu không rõ địa chỉ bị kết luận chiếm đoạt, nhưng Phạm Công Danh không hề bị kết tội chiếm đoạt, chỉ bị kết luận gây thiệt hại nghiêm trọng.

2. Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh, giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh thì không bị truy tố. Lý do ban đầu các cơ quan tố tụng đưa ra là không đủ căn cứ, lý do sau đó là đủ căn cứ nhưng không truy tố do lý do nhân đạo và luật thay đổi.


Ông Phạm Công Trung - Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Trong khi đó, trong vụ Hà Văn Thắm, cơ quan tố tụng tiếp tục bắt rất nhiều các doanh nhân ở Tập đoàn dầu khí, nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trầm Bê tiếp tục bị khổi tố trong vụ án Dương Thanh Cường…

3. Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, người được cho là chịu trách nhiệm chính trong vụ án Phạm Công Danh, vụ án gây thiệt hại trực tiếp hơn 15.000 tỷ đồng, thiệt hại gián tiếp thì không thể tính được, thì chỉ bị phạt án treo 3 năm tù vì Tòa “vận dụng” luật không liên quan là Luật người cao tuổi.

Ông Đặng Thanh Bình - Ảnh: Thuonggiaoonline

Trong khi đó, Phan Anh Vũ (Vũ Nhôm) chỉ là người nhận tiền của Trần Phương Bình, không có bàn bạc, không có kế hoạch, đã trả đủ tiền thì bị phạt 17 năm tù. Tòa đã không “vận dụng” Luật Người cao tuổi cho các bị cáo khác trong các đại án khác như Trầm Bê, Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến …

4. Hứa Thị Phấn rút ruột Ngân hàng Đại Tín trong nhiều năm không bị xử lý. Phạm Công Danh không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm, không có chuyên môn được đào tạo. Không có bất cứ thứ gì, Phạm Công Danh chỉ có tiền án, có kinh nghiệm về chiếm đoạt tài sản. Phạm Công Danh vẫn được phê duyệt mua ngân hàng từ Hứa Thị Phấn, được phê duyệt làm Chủ tịch. Ngân hàng Đại Tín không những không được kiểm soát, xử lý mà còn là công cụ để Phạm Công Danh tiếp tục bòn rút hàng chục ngàn tỷ. Một mình Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc không thể “bảo kê” cho Phạm Công Danh. Các việc lớn của Ngân hàng Nhà nước không thể không thông qua Ban cán sự Đảng và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Ai đứng sau Đặng Thanh Bình để “bảo kê” cho Phạm Công Danh, “bảo kê” cho chính Đặng Thanh Bình?


Bà Hứa Thị Phấn - Ảnh: nguoinoitieng

5. BIDV, do Trần Bắc Hà là Chủ tịch, đã cho Phạm Công Danh vay cả chục ngàn tỷ dựa trên hồ sơ khống. Có 3 chi nhánh BIDV cho vay thì chỉ có các cán bộ Chi nhánh Gia Định bị xử lý hình sự. Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang và cán bộ cho vay ở 2 chi nhánh khác không bị xử lý hình sự trong vụ án này.



Ông Trần Bắc Hà - Ảnh: Vietnamnet

Trần Bắc Hà được cho là nhân vật quyền lực của ngành ngân hàng trong giai đoạn này, mới đây, Trần Bắc Hà bị khởi tố vì liên quan đến dự án cho vay chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh chứ không phải vì các hành vi liên quan đến vụ án Phạm Công Danh.

Sacombank, BIDV, Tienphongbank cùng cho Phạm Công Danh vay dựa trên hồ sơ khống. Trầm Bê, Phan Huy Khang đã nêu ý kiến: Tại sao chỉ xử lý hình sự Trầm Bê và Phan Huy Khang về hành vi cho vay tại Sacombank, còn các ngân hàng khác không bị xử lý.

6. Phần bồi thường của Phạm Công Danh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số tiền Phạm Công Danh đã thực sự “chiếm đoạt” cho mục đích cá nhân. Các bị cáo giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh thì không phải bồi thường, nhiều bị cáo được hưởng án treo. Trong khi Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình thì phải bồi thường toàn bộ số tiền phạm tội.


Ông Phạm Công Danh - Ảnh: Thuonggiaoonline

7. Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao, một trong những chuyên gia hàng đầu về luật hình sự, tác giả của rất nhiều cuốn sách về luật hình sự đã có kiến nghị gửi Quốc Hội, các cơ quan tố tụng nêu rõ: Phạm Công Danh, Phạm Công Trung có dấu hiệu phạm tội chiếm đoạt tài sản, nhiều vấn đề của vụ án đã được xử lý không phù hợp. Nhưng đã không có phản hồi nào với công luận, với cử tri về kiến nghị này. Không có đại biểu Quốc Hội nào công khai chất vấn các cơ quan tố tụng về các vấn đề của vụ án này.

Ông Đinh Văn Quế - Ảnh: Kiến Thức

Các dấu hiệu bất thường về người “bảo kê” cho Phạm Công Danh cần được làm rõ. Hay “nhóm lợi ích” này vẫn còn mạnh? Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cần thêm những đồng minh có chuyên môn, kiên định, sạch sẽ để dẹp tan những hoài nghi trong công cuộc “đốt lò”.

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com