Toggle navigation
Ông “nghị” Lưu Bình Nhưỡng và Bộ Công An
15/11/2018 | 02:18 GMT+7
Chia sẻ :
Trong phiên họp Quốc Hội ngày 31/10/2018, thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp, đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng nêu các vi phạm của Cơ quan điều tra là “rất khủng khiếp” như không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100% …
Ngay sau đó, các đại biểu trong ngành công an đã phản ứng và tranh luận lại rất căng thẳng. Không dừng lại ở đó, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội xử lý ông Lưu Bình Nhưỡng, yêu cầu ông Nhưỡng đính chính. Cùng với Bộ Công an, một số tướng lĩnh Công an đã về hưu cũng lớn tiếng yêu cầu ông Nhưỡng đính chính.

Về phía mình, ông “nghị” Lưu Bình Nhưỡng khẳng định mình không nói sai, không đính chính, do các báo cáo về công tác tư pháp được đóng dấu “mật” nên ông không thể công bố số liệu để chứng minh. Tuy nhiên, sau đó, ông Nhưỡng lại cho rằng “là một Đảng viên, ông sẽ chờ ý kiến kết luận của Đảng Đoàn Quốc Hội”.

Cho đến nay, các ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng là đúng hay sai, nội dung báo cáo của các cơ quan tư pháp là gì, không ai biết, dân chúng không biết.


Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tại Quốc Hội

Qua sự việc trên, có thể thấy hoạt động, vai trò của Quốc Hội Việt Nam có nhiều vấn đề cần làm rõ:

1. Tại sao báo cáo của các cơ quan tư pháp lại phải đóng dấu “mật”, theo luật nào? Nhà nước luôn nói dân là “chủ”, các đại biểu Quốc Hội là đại diện cho dân. Đại biểu có trách nhiệm giám sát các cơ quan tư pháp và báo cáo lại với dân chúng nơi mình đại diện, chịu sự giám sát của dân chúng. Nếu báo cáo này đóng dấu mật thì làm sao người đại diện có thể báo cáo lại cho ông bà “chủ”?

Trước đây, Quốc Hội đã từng họp kín về Biển Đông, vấn đề hệ trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia được dân chúng quan tâm. Cho đến nay, dân chúng không hề được biết về nội dung và kết luận cụ thể của cuộc họp này, cũng như thực trạng của Biển Đông ra sao, đường lối của Việt Nam trước các hành dộng leo thang của Trung Quốc?

2. Bộ Công an là đối tượng phải báo cáo, Quốc Hội là cơ quan nghe báo cáo, nhận xét và thông qua báo cáo. Quyền thảo luận, nhận xét là của Đại biểu Quốc Hội, Bộ Công an có trách nhiệm giải trình. Bộ Công an không thể, không có quyền yêu cầu đại biểu Quốc Hội đính chính, càng không thể yêu cầu xử lý đại biểu. Hành động phải làm thì Bộ Công an chưa làm là đối thoại công khai với ông Lưu Bình Nhưỡng, giải trình công khai trước Quốc Hội, trước cử tri bằng những con số cụ thể.

3. Báo cáo của Bộ Công an và các cơ quan tư pháp khác đúng hay sai, cần có những giải pháp gì do Quốc Hội quyết định, thông qua các lá phiếu của đại biểu. Phát biểu của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đúng hay sai cũng là thảo luận của Quốc Hội để nhằm đưa ra quyết định chung. Đảng Đoàn Quốc Hội hay Chủ tịch Quốc Hội không thể kết luận về ý kiến của đại biểu. Ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu với tư cách đại biểu Quốc Hội chứ không phải với tư cách Đảng viên. Quốc Hội đại diện cho dân chứ không đại diện cho Đảng.

Dù sao, cũng phải khẳng định ông “nghị” Lưu Bình Nhưỡng đã rất dũng cảm khi động đến Bộ Công an, Cơ quan điều tra – vốn là vùng mà các đại biểu và công luận luôn né tránh.

Quốc Hội Việt Nam cần có quyết định chuyên nghiệp, khẳng định đúng vai trò của mình, cần có Nghị quyết về báo cáo của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng và các kiến nghị của Bộ Công An. Quốc Hội cần công khai tối đa các báo cáo, tài liệu, thảo luận, quyết định của mình để các ông bà “chủ” là dân chúng được biết. Các thông tin được xác định là mật phải có căn cứ pháp lý và chỉ nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, không thể xác định là mật để bảo vệ uy tín cho các cơ quan bị giám sát.
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com