Toggle navigation
Doanh nghiệp nội, ngoại “tranh nhau” đầu tư vào cà phê
14/04/2018 | 03:15 GMT+7
Chia sẻ :
Thị trường cà phê Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng để phát triển bền vững thì mỗi thương hiệu phải chọn ra một thế mạnh của riêng mình, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Chia sẻ



Thị trường cà phê Việt Nam ngoài những tên tuổi đã có chỗ đứng thương hiệu như Trung Nguyên, Vinacafe Biên Hòa và Nestlé thì trong một vài năm trở lại đây đã xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới cả nội lẫn ngoại với hình thức kinh doanh mới.

Đầu tư từ khâu sản xuất

Công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018, The Coffee House chia sẻ tham vọng bán cà phê hạt của Việt Nam ra thế giới. Từ tháng 1/2018, bộ phận cà phê của Công ty Cầu Đất Farm chính thức sáp nhập vào The Coffee House. Theo đó, The Coffee House sở hữu trang trại cà phê tại Cầu Đất cùng xưởng chế biến và kho trữ lạnh cà phê. Trang trại này có diện tích khoảng 33 ha, sản lượng cà phê tươi đạt 400 tấn trong năm 2019.

Nguyễn Hải Ninh, CEO của The Coffee House tự tin cho rằng có thể trong tương lai gần nhất, diện tích cà phê doanh nghiệp này sở hữu sẽ tăng mạnh hàng nghìn ha. Bởi doanh nghiệp quyết tâm chinh phục mục tiêu trồng và xuất khẩu ngành hàng này.

Còn Stabucks sau 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam đã công bố bán dòng cà phê Việt Nam với tên gọi “DaLat Blend” tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, một gói cà phê bột khoảng 250 gr bán với giá 12,5 USD (tương đương hơn 280.000 đồng). Vùng đất trồng ra loại cà phê được giới thiệu là thượng hạng này chính là Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hiện nay thị trường cà phê Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt. Theo báo cáo Ngành Nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0,43 kg/đầu người/năm, lên 1,38 kg/đầu người/năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, và dự báo lên 2,6 kg/người/năm vào 2021.

Cũng có kẻ đội nón ra đi

Chuyên gia phân tích đồ uống toàn cầu của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh)- ông Jonny, nhận định: “Người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen thuộc với cà phê và đã hình thành được khẩu vị, sở thích cho riêng mình trong khi nhiều nước khác ở châu Á, thị hiếu cà phê còn chưa hình thành rõ rệt.”

Chính bởi lẽ đó, không phải thương hiệu cà phê nội và ngoại nào cũng có chỗ đứng nếu không “chiều” được những “thượng đế” của mình. Đầu năm 2017, chuỗi cửa hàng cà phê The Kafe đóng cửa sau hơn 1 năm gọi vốn thành công trên 5 triệu USD và cùng với đó là sự ra đi của thương hiệu cà phê đến từ Australia - Gloria Jean’s Coffees.

Theo ông Hoàng Khải, chủ một cửa hàng Gloria Jean’s Coffees ở Việt Nam, Gloria Jean’s Coffees là thương hiệu nổi tiếng ở châu Á, nhưng phải rút khỏi Việt Nam do không biết cách thâm nhập vào một thị trường cà phê béo bở như Việt Nam.

Trước Gloria Jean’s Coffees, một số ông lớn ngoại cũng đã phải ngậm đắng khi quá tự tin gia nhập thị trường Việt Nam. Thương hiệu cà phê ILLY nổi tiếng tại châu Âu và trên thế giới vào Việt Nam cũng bị phá sản khi chỉ kịp mở 2 cửa hàng cà phê tại TP.HCM.

Tháng 8/2016, chuỗi cà phê NYDC cũng từng phải rút lui khỏi Việt Nam sau 5 năm thâm nhập.Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, mô hình chuỗi cửa hàng cà phê tại Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% một năm. Báo cáo dự đoán số lượng cửa hàng hoạt động theo mô hình chuỗi sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới về cả số lượng và nâng dần tỉ lệ so với mô hình cửa hàng cà phê độc lập, chuỗi nhượng quyền thương hiệu.

Báo cáo này cũng đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển của mô hình chuỗi nhà hàng, cà phê. Theo đó, trong thời gian tới, những thiết kế sáng tạo, đề cao tính hòa hợp với thiên nhiên cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành công của các chuỗi nhà hàng, cà phê. Ngoài ra, sau khi chiếm lại thị phần từ tay các thương hiệu ngoại thì mô hình này lại tiếp tục cuộc chiến khốc liệt với mô hình ẩm thực mang đi (take away), ki-ốt đường phố áp dụng hình thức phục vụ mới dựa trên thực đơn cũ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com