Toggle navigation
“Cơm canh chưa ngọt” ở Vinaconex
19/04/2019 | 08:38 GMT+7
Chia sẻ :
Dự án Bắc An Khánh với diện tích gần 265 héc ta dọc theo trục đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (Hà Nội), một trong những tài sản chủ chốt của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), được khởi công từ năm 2006, hai năm trước khi VCG niêm yết trên sàn phía Bắc.
Để thực hiện dự án, Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh giữa Vinaconex và tập đoàn Posco E&C Hàn Quốc được thành lập, mỗi bên góp 50% vốn. Hơn một thập niên trôi qua, cho đến năm 2017, dự án vẫn không thể triển khai trong khi liên doanh An Khánh lỗ ngót nghét 1.000 tỉ đồng.

Mỗi năm Vinaconex lại giải trình với cổ đông lý do của việc dự án “bất động”, gồm việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội; điều chỉnh quy hoạch; sự thay đổi chiến lược đầu tư của phía nước ngoài...



Con số 1.000 tỉ đồng lỗ lã của liên doanh chủ yếu do huy động vốn vay 150 triệu đô la Mỹ từ nước ngoài để nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước cộng với tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, san nền và xây dựng một số hạng mục chung. Từng ấy năm, chỉ trả lãi tiền vay, cho dù được vay với lãi suất hợp lý, liên doanh Vinaconex - Posco không lỗ mới lạ.

Vốn điều lệ của liên doanh là 680 tỉ đồng, số lỗ cao hơn vốn tự có, liên doanh lâm vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Vinaconex góp vào đây 340 tỉ đồng và hiển nhiên phải trích lập dự phòng rủi ro 100%.

Với vốn điều lệ 4.417 tỉ đồng, con số lỗ kể trên đã “dìm” lợi nhuận ròng hàng năm của VCG. Trừ năm 2017, nhờ thanh lý công ty con, các năm còn lại Vinaconex chỉ lãi 300-500 tỉ đồng/năm.



Tuy nhiên theo quy định của Nhà nước, SCIC chỉ thoái được ở mức giá ít nhất tương đương với giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Mà giá trị sổ sách của VCG thì tới mười mấy ngàn đồng. Do đó đợt thoái vốn cuối năm 2017 của SCIC thất bại khi chỉ bán được một phần nhỏ lượng chào bán. Tuy vậy, SCIC vẫn kiên định chủ trương “rút chân” khỏi VCG.

Sự xuất hiện của Phú Long

Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long là một thành viên của tập đoàn Sovico, cái tên gắn với những doanh nghiệp đang có mặt trên sàn TPHCM như VietjetAir, HDBank. Cuối năm 2017, sau các cuộc thương thảo, đối tác Posco trong liên doanh An Khánh chính thức bán toàn bộ phần góp vốn cho Phú Long với giá 680 tỉ đồng.

Posco có lẽ đã không lỗ trong thương vụ này nếu không tính chi phí cơ hội 10 năm. Còn Phú Long ngoài số tiền mua 50% cổ phần liên doanh An Khánh, họ phải tiếp nhận các nghĩa vụ tài chính mà Posco để lại bao gồm cả các khoản nợ.

Sự xuất hiện của Phú Long đã thổi bùng lên hy vọng của cổ đông Vinaconex về triển vọng thực hiện dự án Bắc An Khánh và thị giá cổ phiếu VCG từ đó thường trực đứng ở mức cao, có thời điểm vọt tới 29.000 đồng. SCIC chớp thời cơ, thoái luôn 57,7% cổ phần VCG đang sở hữu, thu về 7.366 tỉ đồng, cao hơn mức mà Nhà nước mong đợi.

Đơn vị mua lại cổ phần VCG từ SCIC có tên Công ty TNHH An Quý Hưng. Cùng thời gian SCIC thoái vốn, một cổ đông lớn khác của Vinaconex là tập đoàn Viettel cũng đấu giá công khai 21,3% cổ phần. Người trúng đấu giá là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.

Cơm canh chưa ngọt

Những tưởng với sự thay đổi cổ đông một cách căn bản và không còn vốn nhà nước, Vinaconex sẽ có điều kiện đi lên. Đùng một cái, tháng 3-2019 cổ đông VCG nhận được công bố thông tin về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội), theo đó nghị quyết của đại hội đồng cổ đông bất thường bầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát mới chưa được thực hiện.

Gửi đơn thưa lên Tòa án Nhân dân quận Đống Đa là hai cổ đông tổ chức: Công ty Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và hai cá nhân thành viên hội đồng quản trị VCG, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà. Cường Vũ và Star Invest sở hữu tổng cộng 28,85% cổ phần Vinaconex.

Ngày 1-4-2019, dàn lãnh đạo Vinaconex được bầu tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức gặp mặt báo chí để “Trao đổi, cung cấp thông tin bất thường”. Nội dung chính của cuộc gặp là các thông tin liên quan đến quyết định của Tòa án Nhân dân quận Đống Đa. Vinaconex cho biết sẽ khiếu nại. Chỉ ba ngày sau khi Vinaconex khiếu nại, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa ra văn bản bác bỏ đơn khiếu nại của tổng công ty.

Căn cứ vào văn bản của tòa và theo quy định pháp luật, ban lãnh đạo cũ của Vinaconex được bầu trước đại hội cổ đông bất thường (đại hội đồng cổ đông bất thường VCG diễn ra ngày 11-1-2019) hiện đảm nhiệm các trọng trách tại Tổng công ty. Song một số thành viên hội đồng quản trị của đại hội cũ là đại diện cho SCIC và Viettel đã có đơn từ nhiệm từ trước đó.

SCIC và Viettel không còn quyền lợi gì ở Vinaconex. Họ cũng không còn trách nhiệm. Người điều hành VCG còn lại là ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc. Ông Đông điều hành doanh nghiệp bởi ông được hội đồng quản trị của đại hội cũ bầu lên và vì thế nằm ngoài phạm vi quyết định của Tòa án Nhân dân quận Đống Đa.

Một trong những nội dung thay đổi được hội đồng đồng quản trị mới, do đại hội cổ đông bất thường bầu ra, thực hiện là quy chế tài chính.



Về mặt nguyên tắc, Công ty An Quí Hưng sở hữu 57,7% cổ phần Vinaconex đang chiếm tỷ lệ áp đảo, nhưng họ lại chưa nắm giữ tới 65% cổ phần, tức những cổ đông khác vẫn nắm giữ trên 36% cổ phần và có quyền phủ quyết các quyết sách của VCG.

Thắc mắc của cổ đông Vinaconex bây giờ là vì sao quy chế tài chính mới lại trao nhiều quyền hạn như thế cho chủ tịch hội đồng quản trị? Ngoài ra, trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng của tòa, Vinaconex sẽ triển khai thế nào dự án Bắc An Khánh? Doanh thu, lợi nhuận của VCG phụ thuộc chủ yếu vào việc thực hiện dự án này.

Một phần câu trả lời của những câu hỏi trên nằm ở chỗ dự án Bắc An Khánh thuộc quyền triển khai của liên doanh An Khánh, nơi Vinaconex và Phú Long đang nắm giữ 50/50 cổ phần. Nên nhớ trong một thập niên Posco hiện diện ở liên doanh An Khánh, không ít lần quyết sách của liên doanh đình trệ vì cả hai bên không thể thống nhất về chiến lược. Vì quyền và lợi ích của Vinaconex và Posco trong liên doanh ngang nhau, cả hai đã không thể đi đến đích do không bên nào “chịu nhường” bên nào. Đã có thời điểm chính Vinaconex cũng muốn chuyển nhượng cổ phần trong liên doanh.

Liệu Phú Long có đi vào “vết xe đổ” của Posco trong liên doanh? Để tránh “vết xe đổ”, cả VCG và Phú Long phải ngồi vào bàn đàm phán câu chuyện liên doanh trước.

Công ty Phú Long đại diện cho mảng kinh doanh bất động sản khá nổi trội của tập đoàn Sovico, bên cạnh mảng ngân hàng, hàng không, năng lượng và đầu tư tài chính. Trong hoạt động hàng không, hãng VietjetAir rất thành công ở nghiệp vụ mua bán và thuê lại máy bay. Chính mua bán và thuê lại máy bay đã và đang đóng góp doanh thu, lợi nhuận lớn cho VietjetAir.

Theo Hải Lý
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com