Toggle navigation
Xuất khẩu nông sản: Bức bách “thoát Trung”
20/02/2020 | 05:00 GMT+7
Chia sẻ :
Cú sốc virus corona càng bộc lộ sự phụ thuộc của ngành nông nghiệp Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Ảnh: Quý Hòa

Dù được ngợi khen là nền kinh tế có độ mở nhất thế giới nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã chịu cú sốc lớn từ đại dịch virus corona chủng mới (COVID-19) từ Trung Quốc.

Mấy tuần qua, xuất khẩu nông sản Việt Nam đi Trung Quốc bị đình trệ, hàng trăm xe container chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu. Nông sản của các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hưng Yên... cũng dồn ứ và cần giải cứu. Ngành hàng đầu tiên chịu tác động là trái cây, bên cạnh sữa và thủy sản.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 3 tỉ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm từ 5-8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng dự báo này dựa trên kịch bản là dịch COVID-19 được kiểm soát trong vòng chưa tới 3 tháng, tức là kịch bản lạc quan nhất.

Khó khăn dồn dập ngay từ quý I/2020 do virus có nguồn gốc từ Trung Quốc bùng phát khiến các chuyên gia lo ngại mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 300 tỉ USD của Việt Nam sẽ khó đạt được. Nền kinh tế Việt Nam quy mô chỉ khoảng 200 tỉ USD nhưng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Trung Quốc tới gần 100 tỉ USD, bằng 1/2 GDP. Nói cách khác, mức độ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam khá cao.

Lâu nay, vấn đề giảm phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc đã được đặt ra một cách quyết liệt nhưng liên tiếp diễn ra các đợt giải cứu dưa hấu, thanh long... cho thấy nông nghiệp Việt Nam vẫn lún sâu với thị trường 1,4 tỉ dân. Dòng xe ùn ứ tại cửa khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu lao đao từ dịch bệnh khiến quyết tâm “thoát Trung” của nông nghiệp Việt Nam càng phải cao vì thực tế... không còn đường lùi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Đây là cơ hội bức bách để Việt Nam tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết chặt để chuỗi giá trị mở ra thị trường mới, không thể chỉ đưa sản phẩm thô, đi bán tươi rồi khi có rủi ro lại tập trung đôn đáo giải cứu”.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết  năm 2019, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 14 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, 3 FTA đang đàm phán.


Các FTA này đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế. Độ mở này tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, thay vì phụ thuộc vào một vài thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng: “Chúng ta đã và đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đối nhanh trên một số thị trường đã ký kết FTA. Đơn cử như xuất khẩu vào Chile và Hàn Quốc tăng bình quân đến 29%/năm, nhất là thị trường Ấn Độ tăng trưởng bình quân đến 36%/năm, đưa Việt Nam từ vị thế một nước nhập siêu thành một nước xuất siêu vào Ấn Độ”.

Hiệp định CPTPP tuy mới có hiệu lực từ giữa tháng 1.2019 nhưng cũng giúp xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường nội khối như Canada tăng 28,2%, đạt 3,86 tỉ USD, Mexico tăng 26,8%, đạt 2,84 tỉ USD và Việt Nam tiếp tục xuất siêu vào thị trường CPTPP. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được thông qua sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng... “Điều quan trọng, khi có những hiệp định thương mại tự do như vậy, xuất khẩu có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào một khu vực thị trường nhất định, đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Năm 2019, Việt Nam đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỉ USD chiếm tỉ trọng gần 93% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nếu như số mặt hàng lớn mà đẩy lên được thì tổng kim ngạch xuất khẩu rất đáng kể. Nhưng muốn vậy, bài toán xuất khẩu “thoát Trung” là rất quan trọng. Có nhiều ngành đã tìm được hướng ra như xuất khẩu gạo. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, cho biết: “Cách đây 5, 6 năm, Trung Quốc là thị trường rất lớn nhưng nay Việt Nam đã mở rộng ra nhiều thị trường khác nhau nên giá trị nhập khẩu của thị trường này cũng không còn quá chi phối ngành hàng gạo nữa”.

Tất nhiên, để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có lẽ Việt Nam cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chậm hơn nếu không muốn các rủi ro tương tự diễn ra. Để đẩy nhanh tốc độ đa dạng thị trường này, Nhà nước xem xét tạo điều kiện về chính sách, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển hướng mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu, phát triển sản phẩm mới.

Theo Hoàng Hà - Kim Thùy 
Nhịp cầu đầu tư
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com