Toggle navigation
Xuất khẩu khối FDI giảm tốc, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 2020
10/11/2019 | 08:30 GMT+7
Chia sẻ :
Công ty Chứng khoán SSI mới đây đã có báo cáo sâu về dòng vốn FDI vào Việt Nam, cảnh báo sự giảm tốc tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này có thể còn kéo dài và tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020.
Xuất khẩu điện thoại đứng đầu về giá trị nhưng chỉ tăng tăng 2% trong khi cùng kỳ 2018 tăng 16%

FDI đăng ký mới từ Trung Quốc tăng mạnh không hẳn vì thương chiến

Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng số 2 cả về giá trị lẫn số lượng dự án FDI đăng ký mới, tương ứng là 2,1 tỷ USD và 541 dự án, tăng 169% và 83% so với cùng kỳ. FDI đăng ký mới của Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan là  4 nước đứng đầu trong 10 tháng năm 2018 đều giảm trong năm nay.

Hong Kong vượt lên trên Nhật bản để đứng thứ 4 về số vốn đăng ký mới, 1,63 tỷ USD, tăng mạnh 151%. Tính trung bình, giá trị vốn đăng ký mới của Trung Quốc và Hồng Kông trong 10 tháng cũng khá cao, đạt 3,9 triệu USD và 6,4 triệu USD/1 dự án, cao hơn Hàn Quốc (3 triệu USD).

"Xu hướng đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông gia tăng nhanh, ngược lại với xu hướng chung là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên bên cạnh nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một nguyên nhân cần lưu ý là môi trường", báo cáo nhấn mạnh.

FDI Trung Quoc
FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh

Theo đó, nhiều dự án lớn của Trung Quốc được cấp giấy phép đầu tư như Hoá chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD), Lốp Advance (214 triệu USD), Lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu USD) đều là các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao. Khoảng thời gian chưa đến 10 tháng kể từ khi nổ ra thương chiến (tháng 6/2018) là rất ngắn để hiện thực hóa quyết định dịch chuyển đầu tư do áp lực tăng thuế của Mỹ.

Trong khi đó, các quy định ngày một khắt khe về môi trường tại Trung Quốc chắc chắn đã và đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.

Báo cáo nhấn mạnh trong bối cảnh này, việc ra đời Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, đặt chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí chủ yếu để đánh giá lựa chọn FDI là tương đối kịp thời để hạn chế các dự án ô nhiễm, chủ động sàng lọc thu hút các dự án FDI tốt cho Việt Nam.

Xuất khẩu của khối FDI giảm tốc, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 2020

Theo báo cáo, với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 69% tổng xuất khẩu, khối FDI có vai trò chi phối và quyết định đến xuất khẩu của Việt Nam.

"Tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này đang chậm lại một cách đáng báo động, chỉ đạt 5% sau 9 tháng, thấp hơn nhiều khối trong nước là tăng 16,2%. Nhiều mặt hàng chủ đạo của khối FDI có tăng trưởng thấp, cá biệt giảm âm", báo cáo nêu.

Cụ thể, xuất khẩu điện thoại đứng đầu về giá trị nhưng chỉ tăng tăng 2% trong khi cùng kỳ 2018 tăng 16%, xuất khẩu điện tử tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 14,3%), xuất khẩu dệt may tăng 8% (cùng kỳ tăng 15%). Xuất khẩu máy móc thiết bị tăng rất thấp 1,9% (cùng kỳ tăng 29%) và máy ảnh, máy quay phim giảm 25% (cùng kỳ tăng 43%).

Báo cáo cho rằng những khó khăn của các thương hiệu lớn như Samsung khi đánh mất thị phần cùng tác động của tăng trưởng toàn cầu chậm lại đã khiến xuất khẩu của khối FDI giảm sút. Xu hướng này có thể còn kéo dài và tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt nam trong năm 2020.

Mặc dù bức tranh chung không mấy tích cực, vẫn có một vài điểm sáng. Hai mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cải thiện là phụ tùng ôtô và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu phụ tùng ôtô đạt 3,8 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 13,7%, đứng thứ 6 trong top các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối FDI. Xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 18,4%. Trong khi phụ tùng ôtô là một mặt hàng khá truyền thống và thường có tăng trưởng cao thì sự vươn lên của sản phẩm gỗ là một tín hiệu mới.

Trước đó, trong cả năm 2017 và 2018, xuất khẩu sản phẩm gỗ đều tăng dưới 10%. Sản phẩm gỗ là một mặt hàng chịu thuế suất cao trong thương chiến Mỹ - Trung nên rất có thể đã có một làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất đồ gỗ sang Việt Nam. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng, bao gồm cả khối FDI và khối trong nước, đạt 3,65 tỷ USD, tăng mạnh 34% (cùng kỳ 2017 và 2018 tăng 19% và 15%).

Xuat khau FDI
Xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt tăng chậm hơn so với cùng kỳ

Về nhập khẩu máy móc thiết bị của khối FDI 9 tháng là 14,4 tỷ USD, tăng 3,8%, thấp hơn khá nhiều tăng trưởng giá trị giải ngân FDI là 7,3%. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này vẫn là khả quan khi so sánh với cùng kỳ 2018 (nhập khẩu máy móc thiết bị giảm 12,7%). Tăng trưởng nhập khẩu máy móc thiết bị cùng xu hướng đăng ký mới, tăng vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy đầu tư FDI vào Việt nam vẫn đang có xu hướng tích cực, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.

Nhìn một cách tổng thể, dòng vốn FDI vào Việt nam vẫn đang ở xu hướng tích cực. Điều này đảm bảo cho tăng trưởng nội lực của khối cùng tác động lan tỏa sang các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ trong nước. Những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong năm 2019 và có thể cả năm 2020 sẽ kìm hãm tăng trưởng chung. Tuy vậy, đây lại là cơ hội để cơ cấu lại các ngành sản xuất, đa dạng hàng hóa xuất khẩu và đặc biệt là chủ đầu tư, cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết 50 về "đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư".

"Trong sự lạc quan của xu hướng FDI, cũng phải nhìn nhận thực tế không mấy khả quan về những điểm nghẽn hạ tầng và sự tăng giá của các yếu tố đầu vào. Giá thuê đất tăng, giá lao động tăng khi dòng vốn FDI đổ vào liên tục chắc chắn sẽ làm giảm độ hấp dẫn của Việt Nam, vốn đang dựa nhiều vào câu chuyện "nhân công giá rẻ". Tình tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa trên đường bộ và tại các bến cảng cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Đây là một nghịch lý khi mà giải ngân đầu tư công chậm chạp thì tình trạng tắc nghẽn giao thông lại diễn ra ngày một phổ biến.

Để tiếp tục thu hút FDI thì sự thay đổi trong điều hành chính sách của Việt Nam lại là yếu tố quyết định. Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực được tháo gỡ. Nếu làm tốt được việc này, Nghị quyết 50 về FDI sẽ song hành cùng Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân tạo thành hai trụ cột vững chắc, giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững", báo cáo nêu.

Theo Bạch Huệ
Vneconomy
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com