Toggle navigation
Điểm “nghẽn” lao động trong EVFTA
20/10/2019 | 02:33 GMT+7
Chia sẻ :
Tình trạng “khát” lao động sẽ ngày càng trở nên trầm trọng khi EVFTA có hiệu lực và việc tự đào tạo lao động dường như đang là một giải pháp.
Dệt may là một trong những ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA nhưng chủ yếu gia công, công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Ảnh: Thành Hoa

85% doanh nghiệp đỏ mắt tìm lao động cấp cao

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mới được ký kết dự kiến sẽ không chỉ giúp Việt Nam tăng số lượng việc làm mà còn giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), cho rằng quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ trong EVFTA sẽ làm thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, điện tử... sẽ có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam nhằm hưởng lợi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang cộng đồng chung châu Âu. Hơn nữa, thỏa thuận thương mại này cùng với Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) cũng giúp các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tự tin hơn khi rót vốn vào Việt Nam.

Lấy ngành dệt may, một trong những ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA, làm ví dụ. Dệt may Việt Nam chủ yếu gia công, công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Ngành công nghiệp phụ trợ của dệt may, như nguyên liệu, dệt, nhuộm phát triển yếu, chủ yếu phải nhập khẩu. Trong khi đó, EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ rất chặt, muốn được hưởng lợi thuế quan, các doanh nghiệp buộc phải dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam.

Như vậy, ngành dệt may phải phát triển toàn diện hơn. Năng lực cạnh tranh bền vững trong ngành may mặc không chỉ dựa vào lao động giá rẻ mà phải dựa vào dây chuyền sản xuất hiện đại, linh hoạt hơn, hoặc kết hợp với khả năng sản xuất sợi, vải, tức hướng tới ngành dệt may có hàm lượng nội địa cao hơn.

“Nhu cầu lao động tăng, chất lượng nguồn lao động cũng sẽ phải thay đổi trong bối cảnh mới”, ông Minh nói. “Đây là bài toán khó đối với nền kinh tế”.

Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Piaggio Group, thành viên của EuroCham, cho rằng dù chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải được khắc phục trong thời gian tới.

“Nguồn nhân lực thường có tầm nhìn ngắn hạn. Kỹ năng lãnh đạo chưa tốt. Hơn nữa, đa số người lao động sinh ra ở thời kỳ baby boomer (thời kỳ bùng nổ dân số - PV) nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận công nghệ còn hạn chế”, ông Quân nói.

Mặt khác, khả năng tự học hỏi để nâng cao kỹ năng cũng là điểm yếu của nguồn lao động trong nước. Họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mình để phân tích, đánh giá và đưa ra cách thức giải quyết vấn đề hơn là việc tự trau dồi cập nhật xu hướng mà thế giới và doanh nghiệp đang phải đối mặt.

EuroCham nhận định có một khoảng cách khá xa giữa yêu cầu đặt ra với người lao động của các công ty châu Âu và khả năng chuyên môn thực tế của người lao động. Việc thiếu hụt ứng viên đủ tiêu chuẩn là một trong những bất lợi của thị trường lao động Việt Nam.

Theo ông Minh, các doanh nghiệp châu Âu có quy định khắt khe trong tuyển dụng lao động. Những tiêu chuẩn đánh giá ứng viên là kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm, khả năng làm việc và khả năng ngoại ngữ.

Các kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, chịu áp lực công việc, khả năng thích nghi cũng là những kỹ năng mà các doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng từ nguồn lao động.

“Khát” nhân lực không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp châu Âu mà trên phạm vi cả nước. Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy 55% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ khó tuyển dụng lao động chất lượng cao. Một khảo sát khác cho rằng 85% doanh nghiệp rất khó tuyển chọn nhân sự quản trị cấp cao.

“Chất lượng thị trường lao động như vậy không thể đảm bảo lao động có thể bứt phá trong nền kinh tế thời gian tới, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói.

Tìm không ra, phải đào tạo

Để có đủ nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất và đón đầu cơ hội từ EVFTA, một số doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đã phải tự đào tạo hoặc thông qua việc hợp tác với các trường đại học.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may, cho rằng muốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và nguyên liệu cho ngành, ngoài công nghệ thì yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Nhiều doanh nghiệp thất bại cũng do chưa có đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Do đó, hiệp hội đã hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo lao động. Tuy nhiên, khâu nhuộm vẫn là vấn đề khó, rất ít trường có thể đào tạo được công đoạn này”, ông Cẩm nói.

Tương tự, chế biến gỗ xuất khẩu cũng được cho là ngành sẽ hưởng lợi từ EVFTA, khi vừa có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, vừa nhập khẩu máy móc hiện đại từ các nước như Ý, Đức, Tây Ban Nha phục vụ sản xuất với mức thuế bằng 0%.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), trước làn sóng đầu tư công nghệ, nhu cầu nhân lực biết sử dụng máy móc, đáp ứng môi trường làm việc mới sẽ tăng cao. Phía HAWA đang triển khai chương trình đào tạo, phục vụ công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực cho người lao động tại các nhà máy. Nếu triển khai được đồng bộ các hướng đào tạo, việc đón làn sóng công nghệ trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn.

Thực tế, việc tự đào tạo lao động cho ngành của mình, hoặc thông qua hợp tác với nhà trường để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp đang là hướng đi không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Điều tra của ManpowerGroup, tập đoàn nhân sự lớn thứ ba thế giới, có trụ sở tại Mỹ, cho thấy xu hướng nhân tài đang ngày càng trở nên khan hiếm khiến các doanh nghiệp phải tự mình đào tạo. Nếu như năm 2011 chỉ 21% chủ sử dụng lao động phải nâng cấp kỹ năng cho người lao động thì hiện nay con số này đã lên tới 54%. Đến năm 2020, tỷ lệ chủ sử dụng lao động cho biết họ đang có kế hoạch đào tạo nhân viên của mình đã tăng lên 84%.

“Xây dựng nguồn nhân lực, nâng cấp kỹ năng cho người lao động đang là hướng đi của nhiều chủ sử dụng lao động”, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan, Trung Đông, nói. “Muốn đào tạo được, kỹ năng quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng cần lưu ý là khả năng học hỏi. Bởi nếu người lao động không muốn học thì chúng ta cũng không thể đào tạo được”.

Sự tham gia của khu vực tư nhân, một mặt sẽ giúp ngành giáo dục đáp ứng nhu cầu thị trường, mặt khác đảm bảo được đầu ra cho “sản phẩm” mà các trường đào tạo. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, cơ chế, trong khi đó, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cùng nhà trường, Nhà nước, vẫn chưa được hưởng ưu đãi.

“Chúng tôi cần ưu đãi để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề. Các hình thức ưu đãi này có thể dưới dạng ưu đãi thuế, hay ít nhất là giảm thiểu thủ tục hành chính”, ông Minh nói và lấy ví dụ, khi các doanh nghiệp FDI thực hiện hoạt động gì đó mà không nằm trong lĩnh vực kinh doanh chính sẽ bị đặt câu hỏi đây có phải là ngành nghề mới hay không, và sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh như thế nào.

“Đây là điểm mà tôi hy vọng nhà nước sẽ có khung pháp lý phù hợp hơn”, ông Minh nói.

Đồng thời, vị Phó chủ tịch EuroCham đề nghị nên tăng cường đối thoại giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Đối thoại này có thể dưới hai hình thức là cấp quốc gia và cấp tỉnh, vì giữa các tỉnh khác nhau có nhu cầu về lao động khác nhau, tùy thuộc vào sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư. 

Theo Vũ Dung
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com