Toggle navigation
Doanh nghiệp mong nhiều hơn chuyện giảm thuế
23/04/2019 | 08:41 GMT+7
Chia sẻ :
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm vài điểm phần trăm không quan trọng bằng việc các chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý được chấp nhận khi tính thuế, mối quan hệ với cơ quan chức năng minh bạch, thực chất, thay vì phải lách bằng mọi cách như hiện nay.

Mối quan tâm của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ lúc này là mức phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh họa Thu Nguyệt.

Lãi ít, giảm thuế không tác dụng

Bà Đồng Như Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Tư vấn thuế Việt Nam (VTAX), đơn vị làm dịch vụ kế toán - thuế cho nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhận xét với thực tế đang xảy ra là không ít doanh nghiệp không có lợi nhuận để nộp thuế như hiện tại thì hiệu quả của việc giảm thuế không lớn, thậm chí không thiết thực.

Mối quan tâm của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ lúc này là mức phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Tổng mức đóng cho ba khoản mục này tới 21,5% trên thu nhập thực nhận của người lao động, thêm 2% phí công đoàn, cao hơn nhiều nước trong khu vực, đang là một sức ép nặng nề với doanh nghiệp, “đánh thẳng” vào giá thành sản xuất, làm giảm khả năng cạnh tranh.



Chị Lê Thị Hiền, người làm dịch vụ kế toán cho nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ tại TPHCM, cho biết trong 10 công ty chị biết thì có đến tám, chín nơi không có lợi nhuận để nộp thuế, hoặc nếu có thì con số cũng rất nhỏ. Nguyên nhân rất đơn giản là phần lớn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không có áp lực phải có lãi để làm đẹp hồ sơ vay vốn ngân hàng, kêu gọi đầu tư, lên sàn chứng khoán như doanh nghiệp lớn do phần nhiều kinh doanh bằng vốn tự có hoặc không đủ điều kiện về tài sản thế chấp... để vay.

Vì vậy, theo chị Hiền, giảm thuế TNDN với đối tượng này, mới nghe thì có vẻ là hỗ trợ nhưng thực tế không mang ý nghĩa gì.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhìn nhận, trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong thời gian qua luôn có thêm nhiều điều kiện nhiêu khê, đối tượng nhắm đến của chính sách không tiếp cận được thì đề xuất giảm thuế TNDN của Bộ Tài chính cũng đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, mối quan tâm không phải là thuế TNDN. Bởi lẽ, theo chính thống kê của Bộ Tài chính, chỉ 50% trong số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay có đóng thuế. “50% còn lại, tôi chắc chắn phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ”, bà Lan nói.

Minh bạch quan hệ thuế

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào tăng liên tục và đang ngày càng trở nên rất cao nếu so với mặt bằng chung trong khu vực. Trong đó, đáng kể là chi phí lao động khi mức đóng bảo hiểm, công đoàn được doanh nghiệp phản ánh là vượt khả năng chịu đựng của họ.

Việc đóng bảo hiểm cao và đóng trên thu nhập thực nhận của người lao động có thể giúp ích cho người lao động khi về hưu, nhưng lại đang khiến doanh nghiệp không dám thuê mướn, không dám mở rộng công ty, không có động lực tăng lương, thêm việc làm...

Bên cạnh đó, đáng sợ hơn là các chi phí không chính thức, các loại phí không tên để “bôi trơn” bộ máy hành chính khổng lồ thường xuyên “chọc” vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.



Chị Nguyễn Tuyết Nhung, phụ trách tài chính một doanh nghiệp nhỏ ở quận 2, TPHCM cho rằng các quy định pháp luật về thuế không hợp lý và trao quyền lực quá lớn cho người thực thi. Theo đó, có rất nhiều khoản chi phí là hợp lý với doanh nghiệp, họ đã thực chi nhưng lại không được coi là hợp lệ với cơ quan thuế. Các quy định có thể được hiểu, diễn giải theo những cách khác nhau...

“Nhiều khoản không được đưa vào chi phí để tính thuế thì tất nhiên, doanh thu cũng không được kê khai đầy đủ. Đơn giản, đó là mối quan hệ hai chiều. Nếu Nhà nước tạo điều kiện thì doanh nghiệp sẽ trung thực. Còn nếu Nhà nước làm khó thì doanh nghiệp phải tính. Vì không tính thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết tại chỗ với tình hình cạnh tranh, chi phí các kiểu như hiện nay”, chị Nhung nói. Và đây cũng chính là lý do thực sự khiến các hộ kinh doanh không chuyển đổi thành doanh nghiệp dù được vận động, cam kết hỗ trợ thuế trong thời gian qua.

Bà Đồng Như Anh cũng đồng tình, nếu được minh bạch chi phí thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tuân thủ tốt, không phải tìm mọi cách lách thuế như hiện nay.

Do vậy, theo bà Anh, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thực sự thì cần có những giải pháp tổng thể, giải quyết những khó khăn, những vấn đề chằng chịt phức tạp sâu bên trong chứ không đơn giản là giảm vài phần trăm thuế TNDN. Quan trọng không kém là các quyết sách phải thực sự đến được với đối tượng thụ hưởng, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Có như vậy, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mới có cơ hội tồn tại, phát triển và lớn lên để đóng góp cho ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, những giải pháp giảm thuế đề xuất trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính. Việc thực hiện các giải pháp này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỉ đồng/năm.

Theo phân loại của Bộ Tài chính trong báo cáo đánh giá tác động, Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500.000. Trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế.

Theo Minh Tâm
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com