Toggle navigation
Thuế phí và phép khoan thử sức dân
20/04/2018 | 12:15 GMT+7
Chia sẻ :
Quá nhiều các loại thuế, đó là chưa kể hàng loạt các loại phí, đã khiến gánh nặng thuế phí tăng thêm. Mặc dù thừa nhận việc tăng thuế, bổ sung thêm các luật thuế mới sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân, nhưng Bộ Tài chính vẫn luôn bảo lưu quan điểm của mình và thể hiện quyết tâm không lùi bước.

Bộ Tài chính vừa gây chú ý dư luận khi công bố đề xuất đánh thuế tài sản lên nhà đất, ô tô, du thuyền và máy bay. Theo đó, nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng, hoặc từ 1 tỷ đồng trở lên, sẽ phải chịu thuế mức 0,4%/năm. 

Không chỉ có nhà ở mà đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp... có thể cũng bị đánh thuế tài sản cao hơn trước. Cùng với đó là ô tô, máy bay, du thuyền có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ phải chịu thuế tài sản mức 0,3% hoặc 0,4%/năm. 

Bộ Tài chính cũng đang đề nghị phương án tăng thuế Giá trị gia tăng từ 10% hiện nay lên 11% hoặc 12% vào năm 2020. Thuế Môi trường với xăng dầu đã được đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít với xăng, tăng từ 1.100 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít với dầu mazut, dầu nhờn,... áp dụng từ 1/7/2018. Ngoài ra, thuế Thu nhập cá nhân cũng được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh theo 2 phương án và nghiêng về phương án 2, với 5 bậc thuế suất, sẽ giúp tăng thu thêm cho ngân sách 500 tỷ đồng/ năm. 

Ở phương án này, những cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng. 

Còn một mặt hàng nữa là nước ngọt, Bộ Tài chính cũng muốn bổ sung vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất 10%. Để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm dần, do Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn các hiệp định thương mại quốc tế, Bộ Tài chính đẩy mạnh tăng thu nội địa. Xu hướng này đang gây lo ngại về gánh nặng thuế, phí đặt lên vai người dân và DN. 

Tất cả các loại thuế kể trên đều đánh thẳng vào túi tiền của người dân. Kể cả thuế Giá trị gia tăng, thuế Môi trường hay thuế Tiêu thụ đặc biệt, đánh trên hàng hóa thì cuối cùng trả tiền vẫn là người dân. 

Rất nhiều loại thuế được đề xuất tăng gần đây, cùng với đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính, đang khiến nhiều người lo ngại trước gánh nặng thuế phí ngày càng lớn. 

Thuế, phí cao sẽ làm người dân không có khả năng tiết kiệm, hoặc "chán nản" không muốn tiết kiệm nữa, kinh tế sao phát triển. TS Lê Đăng Doanh cho biết, với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư.

Bộ Tài chính đang thể hiện quyết tâm bảo lưu quan điểm của mình về việc đưa ra Dư thảo một số bộ Luật liên quan đến thuế và phí.

Song hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới. Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4-3 lần so với các nước. 

Với người dân, trong khi thu nhập thấp, lại chịu thuế, phí cao, sẽ dẫn đến phải tiết giảm nhu cầu trong các lĩnh vực khác, phúc lợi sẽ bị giảm đi. Không chi tiêu nhiều thì hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm và kinh tế sẽ không phát triển.

 Đánh thuế tài sản và tăng các loại thuế, phí khác lên cao, sẽ làm người dân giảm đi khả năng tiết kiệm, hoặc chán nản không muốn tiết kiệm nữa, kinh tế sao có thể phát triển? 

Theo Phó trưởng ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ, phải đặt cải cách thuế tài sản và các sắc thuế khác trong bối cảnh chung, đạt mục tiêu đặt ra. Hiện tại, chúng ta quá tập trung vào tăng thu là bất hợp lý. Trong khi đó, quản lý thu lại quá kém, nợ đọng thuế lên tới 73.000 tỉ đồng, trong đó một nửa không có khả năng thu được. Theo đại biểu Bùi Đức Thụ: Vấn đề quan trọng trong việc đánh thuế tài sản, không phải 1 hay 2 căn nhà mà phải dựa trên tổng tài sản của người sở hữu bao nhiêu, để có chính sách điều tiết cho phù hợp. Chính sách phải đảm bảo khả thi, sát thực tiễn chứ không phải thu lấy được, bởi nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng và bất bình trong xã hội. 

Công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế, đòi hỏi hệ thống thuế phải nỗ lực hơn nữa để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay.

Cải cách thủ tục hành chính thuế sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, giảm bớt chi phí và thời gian cho đối tượng nộp thuế. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, chống thất thu thuế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo nguồn thu ổn định, bền vững. 

Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững; chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm căng mình đóng thuế.

Thực tế, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách triền miên ở VN không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai; hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng hay sự phát triển của đất nước. 

Nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư sai... thì dù có tăng VAT lên 12% hay gấp đôi, thu ngân sách dù có phình to ra cũng khó cân đối ngân sách. 

Vì vậy, việc đánh thuế nhà ở, nhà đang ở là một việc cần được cân nhắc một cách rất thận trọng, bởi nhà ở là do người ta cả đời tiết kiệm hoặc tích luỹ từ nhiều đời mới mua được và dựa trên những nguồn thu từ lao động, kinh doanh đã nộp thuế cho Chính phủ bằng cách này hay cách khác, vậy mà lại tiếp tục bị đánh thuế.

 Thử hỏi đánh thuế như vậy để làm gì? Dựa trên cơ sở nào? Và vì sao phải đánh thuế? Thiết nghĩ, thay vì nghĩ tới việc đánh thuế tài sản của người dân thì trước hết Bộ Tài chính hãy nhanh chóng tập trung thu hồi các dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nhưng vẫn đang nằm “đắp chiếu” hoặc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động cầm chừng, không mang lại lợi nhuận. 

Sau khi thu hồi Nhà nước có thể bán cho khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài để thu tiền về cho dân và làm khối lượng tài sản khổng lồ này được sử dụng có hiệu quả hơn. Một nhà kinh tế học của Mỹ từng nói: Nợ của nước ngoài nếu dùng để học tập được, tiếp thu được những tiến bộ công nghệ thì tốt, còn nếu không thì đó là một thảm họa, có lẽ, nó rất đúng trong hoàn cảnh này của Việt Nam. 

Phân tích câu nói trên, có thể hiểu là nếu không học được tiến bộ công nghệ thì có nghĩa là đã đầu tư vào chỗ không sinh lời. Vì vậy vấn đề đặt ra ở đây là cần thu hẹp dần tỷ lệ nợ/GDP, đặc biệt là nợ nước ngoài; thu hẹp dần chi tiêu ngân sách, thu hẹp dần quy mô của ngân sách và để thu lớn hơn chi là cách tiếp cận tốt nhất. Để làm được việc này, chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử để tiết kiệm nhân lực, giảm giấy phép con. 

Cùng với đó là phải  nâng cao kỷ cương, kỷ luật, kiên quyết loại bỏ doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. 

Theo Cẩm Tú
Báo Công Luận
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com