Toggle navigation
Vụ ‘cà phê nhuộm pin’: Liệu truyền thông có đang vội vàng kết luận
28/04/2018 | 09:44 GMT+7
Chia sẻ :
Bản chất thật của vụ “cà phê nhuộm pin” tại Đắk Nông là gì, có đúng cà phê nhuộm pin sau đó bán ra thị trường cho người dân sử dụng hay không vẫn còn là uẩn khúc.

Cơ quan chức năng phát hiện cà phê nhuộm pin ở cơ sở bà Nguyễn Thị Thanh Loan. Ảnh: ĐD

Dư luận xôn xao trước việc cà phê nhuộm pin rồi tuồn ra thị trường.

Cụ thể, chiều tối ngày 15/4, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đắk R’lấp và Công an xã Đắk Wer đã bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13, xã Đắk Wer đang pha trộn tạp chất vào cà phê.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin... dùng để nhuộm đen cà phê.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ mục đích của việc trộn phế phẩm cà phê (vỏ cà phê, hạt cà phê loại thải xay nát) với đá xay, sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa với bột than từ lõi pin Con Ó để sản xuất ra một loại hỗn hợp nghi là cà phê thành phẩm để tuồn ra thị trường.

Cơ sở chế biến này hoạt động từ nhiều năm nay, tính từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn.

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu uống phải loại cà phê này, mà còn tác động tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê của Việt Nam.

Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra ở đây, tại sao người ta phải nhuộm pin vào cà phê, lượng cà phê nhuộm pin được đưa ra thị trường để tiêu thụ hay để sử dụng với mục đích khác?

Trả lời báo chí khi theo dõi diễn biến vụ việc, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng, nếu chủ cơ sở dùng phế phẩm cà phê, bột đá, lõi pin nhuộm đen để rang xay thành cà phê bột thì sẽ có mùi hắc của pin, người mua sẽ phát hiện ra ngay.

Vì vậy, nếu dùng phương pháp này cơ sở phải xử lý mùi hắc phát sinh chi phí rất cao nên không phù hợp với giả định sản xuất cà phê siêu rẻ.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam. Ảnh Báo Công Thương

Còn thông tin mới đây là chủ cơ sở làm như trên để giả làm hồ tiêu để vay vốn ngân hàng cũng rất vô lý. Bởi không thể dùng cà phê để làm giả hồ tiêu vì kích cỡ, mùi vị khác xa nhau, cán bộ ngân hàng không dễ bị lừa như thế. Vụ việc này cần sớm được điều tra làm rõ bản chất của hành vi vi phạm, xử lý nghiêm để răn đe người khác.

Để làm cà phê rẻ có nhiều cách phổ biến nhất là dùng bắp và đậu nành cùng với sự hỗ trợ của phụ gia, hóa chất hết sức tiện lợi. Do đó thông tin nhuộm cà phê bằng pin cần làm rõ để tránh ảnh hướng đến doanh nghiệp kinh doanh cà phê.

Trả lời báo chí ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện cơ quan chức năng đang điều tra và chủ cơ sở vẫn chưa khai báo mục đích trộn phế phẩm cà phê và pin để làm gì. “Cho nên chúng ta chưa thể kết luận sản phẩm pha trộn nói trên có (bán ra để) làm thức uống cho người hay không. Chúng ta hãy đợi kết luận của cơ quan chức năng”, ông Tám nói.

Đang có những lo ngại vụ việc cà phê nhuộm pin ở Đắk Nông không loại trừ khả năng cạnh tranh không lành mạnh hoặc có tính phá hoại kinh tế.  Đã từng có những mặt hàng nông sản Việt Nam thiệt hại nặng nề về kinh tế do "scandal " mất an toàn thực phẩm. Đơn cử như trường hợp trà (chè) bị trộn phân lân. Hay như tin đồn "gạo giả" được làm từ nhựa thỉnh thoảng lại rộ lên trong khi nhựa giá cao hơn gạo.

Theo Hoàng Linh
Tạp chí SHTT
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com