Toggle navigation
Làm báo Việt trên đất Nga
24/06/2018 | 06:59 GMT+7
Chia sẻ :
Giữa trăm ngàn người Việt rải rác trên khắp nước Nga rộng lớn, có một sợi dây liên kết tất cả bọn họ với nhau - những tờ báo tiếng Việt.

Anh Đào Tuấn Dũng tranh thủ xem báo sau khi vừa mua xong trong chợ Liublino - Ảnh: H.Đ

Năm 2009, chính quyền thành phố Moscow dẹp chợ Vòm, dẫn đến sự phân tán hỗn loạn của các thương lái người Việt vì mất kế sinh nhai tại đây.

Nơi gắn kết cộng đồng

Họ rồi cũng tìm được chốn an cư, nhưng tính tập trung, khái niệm "khu người Việt" như ở chợ Vòm thì không còn. 

Trải qua 3 ngôi chợ, gồm chợ Liublino (thường gọi là chợ Liu), chợ Sadovok (chợ Chim) ở Moscow và chợ Apraksin (Petersburg), tôi rất vất vả mới tìm được các gian hàng của người Việt bên trong chợ. 

Người Việt tại đây bị chia cắt nhỏ lẻ bởi số lượng thương lái Trung Quốc và các dân tộc Kazak, Tarta, Chechnya, Yakutia. Họ không thể tập trung thành một khu đông đúc được.

Nhưng có 2 tụ điểm mà bạn có thể hỏi thông tin về mọi người Việt ở chợ - tiệm ăn Việt và quầy bán báo. 

Tiệm ăn là hiển nhiên, nhưng đây chủ yếu là nơi dành cho du khách. Người Việt sống ở chợ đa phần tự mang theo cơm nhà. 

Quầy bán báo trái lại, không phải là nơi tụ họp nhưng là chỗ mà mọi thương lái đều tạt qua vào mỗi buổi sáng. 

Tại đây, họ có nhiều lựa chọn, từ tờ Nhật báo, cho đến Thời báo Mát-xcơ-va hoặc Lá cải. Mỗi tờ giá tầm 30 rúp.

Anh Hoàng Long, một thương lái tại chợ Liublino kể: "Hầu như ngày nào nhà tôi cũng đọc báo, ít nhất là 1 tờ. Thời bây giờ có internet, có facebook rồi nên việc liên lạc trong cộng đồng với nhau rất dễ dàng. 

Chứ hồi cách đây vài năm, phải đọc báo để giữ quan hệ với mọi người, vì trong đó có rất nhiều mẩu quảng cáo. Bây giờ thì chủ yếu đọc để giải trí thôi".

Trên báo Nga tiếng Việt có gì? Tôi mua tờ Nhật báo số ra trước thềm World Cup, báo khổ A4 và dày những 72 trang gồm cả bìa. 

Trong số này thì đã có khoảng 20 trang dành cho quảng cáo, rao vặt… Khoảng chục trang đăng tiểu thuyết, vài trang ô chữ… Còn lại phân nửa là tin tức.

Nội dung báo tiếng Việt ở Nga đăng cả những thông tin tại Việt Nam - Ảnh: H.Đ

Thắt lưng buộc bụng như nghề báo

"Thế này thì báo Việt ở Nga nội dung chẳng kém gì báo ở Việt Nam cả", tôi hỏi anh Đào Tuấn Dũng - người từng có thời gian lâu dài viết báo ở Nga. 

"Thật ra chỉ là dịch lại thôi, chứ báo Việt ở Nga không có phóng viên đi lấy tin. Phần lớn các trang tin tức bây giờ là dịch từ trên mạng hoặc sao chép cả báo online ở Việt Nam", anh Dũng nói. Thật vậy, tôi bắt gặp cả một số bài báo của mình trên trang báo mạng baonga.com.

Nhưng đó là vào thời đại của internet. Cách đây nhiều năm, việc làm báo tiếng Việt ở Nga tuy không phải đi săn tin nhưng cũng không dễ dàng đến thế.

Tờ báo đơn giản chỉ bao gồm ông chủ và một số cộng tác viên, toàn bộ công việc được thực hiện bởi một đội ngũ chỉ tầm 10 người. Các cộng tác viên đa phần là sinh viên đi làm thêm.

"Thời đó tôi đang đi học nên cũng cần công việc làm thêm, làm cho chủ người Việt thì càng tốt. Tôi viết cho tờ Nhân Hòa, họ trả tôi 5 USD để dịch 1 trang báo. 

5 USD khi đó là khá cao đấy, đủ cho sinh hoạt phí mấy ngày. Công việc là đi dịch lại mấy bài báo trên báo Nga. Nhưng cũng chat lắm. Một trang báo khổ A3 mà họ in chữ nhỏ li ti. Dịch đến mấy bài mới kín được trang", anh Dũng kể.

Nhưng nói chung, phần tin tức chủ yếu chỉ để lấp trang. 3 nhu cầu chính của cộng đồng người Việt khi đọc báo ở Nga là: "xem quảng cáo, giải ô chữ và đọc tiểu thuyết" - anh Dũng cho biết. 

Người Việt sang Nga sinh sống đa phần muốn định cư nên đều cố gắng học tiếng Nga, đọc tin tức trên báo Nga vì thế không phải là chuyện quá khó khăn với họ.

"Làm báo đã khó, bán báo càng khó hơn. Những năm đầu, báo tiếng Việt nhiều tờ không xin giấy phép và phải bán chui. Mỗi ngày, một anh chàng được thuê sẽ cầm xấp báo đi giao khắp khu chợ người Việt, và rất lén lút. 

Tuy khó khăn nhưng làm báo ở Nga thời gian đầu rất có lời nên có khá nhiều tờ. Đến sau này thì gần như không còn ai mua nữa do đã có internet. Số lượng báo in cũng giảm còn khoảng 2, 3 tờ", anh Dũng nói.

Từ một nghề mang tính lợi nhuận cao, làm báo tiếng Việt ở Nga bây giờ chỉ còn là một hoạt động mang tính kết nối cộng đồng. 

Sạp báo mà tôi mua nằm ở gian hàng bán quần áo của chị Nga. Mỗi ngày chị bán khoảng vài chục tờ chủ yếu chỉ để cho vui, gặp người này người nọ. 

Với nhiều người, cầm trên tay cuốn báo chi chít chữ, trình bày theo phong cách thập niên 1990, chẳng có chút gì là sôi động - nhưng lại được viết bằng thứ ngôn ngữ quê hương này, vẫn mang đến một cảm giác đặc biệt.

Tờ Nhật Báo do người Việt làm ở Nga có thiết kế rất cũ kỹ - Ảnh: H.Đ

Sa sút lượng báo in

Anh Dũng cho biết, thời những năm thập niên 1990, mỗi tờ báo Việt in cả ngàn tờ mỗi ngày và hầu như đều bán hết sạch. "Khó khăn khi đó là không dám bán nhiều vì sợ bị tịch thu. Mọi người thậm chí mua xong còn đọc lén lút vì sợ báo bị phát hiện rồi không còn mà đọc. Còn bây giờ các tờ báo có giấy phép đàng hoàng thì lại chẳng còn ai mua", anh kể.

Theo Báo Tuổi trẻ
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com