Toggle navigation
Kiều bào tại Pháp và mong muốn có hai quốc tịch
20/05/2018 | 07:01 GMT+7
Chia sẻ :
Dư luận xã hội có những ý kiến cá nhân khác nhau tùy theo trường hợp của từng người muốn giữ hai quốc tịch (song tịch). Sau khi tìm hiểu và thực hiện một cuộc điều tra cá nhân, bao gồm thành viên của các hiệp hội Pháp (luật năm 1901) và công dân cư trú tại Pháp, tôi đã rút ra được một số vấn đề liên quan đến nhu cầu của những kiều bào mong muốn có hai quốc tịch, cụ thể là quốc tịch Pháp và Việt Nam.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang với kiều bào trong Chương trình Xuân Quê hương 2018

Các cột mốc lịch sử đối với người nộp đơn xin song tịch

Những người Việt Nam tại Pháp có nhu cầu song tịch chủ yếu ở các giai đoạn sau: 
Thứ nhất, trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), Pháp đã đưa gần 100.000 lính và công nhân Đông Dương, chủ yếu là người Việt Nam sang châu Âu để tham gia vào cuộc chiến. Người Việt Nam được đặt tên vào thời đó là Annamites hoặc Indochinois. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính này được gọi là lính thợ. Trong số họ có những người trở về Việt Nam và có những người ở lại Pháp. Khi ở lại Pháp, họ kết hôn với phụ nữ Pháp. Các thế hệ con cái của họ được sinh ra, lớn lên và mong muốn tìm lại dấu vết quê hương của cha ông. 

Thứ hai, sau hiệp định Geneve năm 1954, Chính phủ Pháp đã đưa lính Pháp và người Pháp gốc Việt ở Việt Nam quay trở lại Pháp. Ngoài ra, Pháp cũng đã đưa những đứa trẻ có mẹ là người Việt hoặc những đứa trẻ được tập hợp bởi các hiệp hội tôn giáo, trường học cho trẻ em của quân đội (Enfants de troupes) sang Pháp. Những đứa trẻ này trưởng thành và họ muốn tìm lại gốc gác của mình.

Thứ ba, sau thất bại của Mỹ tại Việt Nam năm 1975, có một cuộc di dân bằng đường biển nổi tiếng về “thuyền nhân” (boat-people) ra khỏi Việt Nam. Lúc đó, những người Việt được cứu và chấp nhận nhập cư vào Pháp đã được báo chí đưa nhiều trong suốt một thời gian. Những gì tôi còn nhớ là các gia đình “tích hợp” đã chọn quốc tịch Pháp và hòa nhập vào đất nước Pháp. Thế hệ đương đại bao gồm các tầng lớp xã hội khác nhau, chủ yếu là trí thức, muốn trở về Việt Nam để đóng góp vào việc tái thiết Việt Nam sau chiến tranh. Việt Nam tự hào chào đón Việt kiều và coi họ là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam. Trong thế hệ Việt kiều này, đã có một số nhà khoa học trở về cùng với gia đình họ trong những năm sau khi đất nước thống nhất (năm 1976,1978, 1980). Một số con cái của họ cũng trở thành những nhà trí thức hoặc thương nhân trở về làm việc tại Pháp. Họ có quốc tịch Việt Nam và họ xin quốc tịch Pháp. Ở Pháp, họ sống và làm việc trong các dịch vụ công và tư nhân. Nói chung, họ nghĩ họ đã “tích hợp” vào dân Pháp và cảm thấy như “cá trong nước”. Để tạo thuận lợi cho du lịch hoặc đi công tác giữa hai nước, họ muốn có song tịch.

Mong muốn có song tịch

Pháp luật của Pháp cho phép một người có hai quốc tịch và không đòi hỏi người nước ngoài trở thành công dân Pháp phải từ bỏ quốc tịch gốc. Do đó, một người di dân nhập cư có thể kết hợp quốc tịch Pháp với một quốc tịch khác, ngược lại, một công dân Pháp có thể giữ quốc tịch của mình trong khi lựa chọn quốc tịch nước ngoài. Tương tự như vậy đối với con cháu của những người nước ngoài sinh ra ở Pháp, những người được trở thành công dân Pháp khi họ đến độ tuổi trưởng thành vẫn có thể giữ quốc tịch gốc.

Cuộc khảo sát của tôi tuy được thực hiện một cách tế nhị nhưng tôi có thể nhấn mạnh đến mong muốn có song tịch của người Việt ở những hoàn cảnh khác nhau. Trường hợp con cái của “lính thợ”, họ tự hào về những đóng góp cho xã hội và kinh tế của cha anh họ trên nước Pháp đã được công nhận. Đặc biệt phải kể đến là những lính thợ Việt Nam làm việc rất cực khổ, với kinh nghiệm trồng lúa cổ truyền đã thành công, đưa vùng Camargue của Pháp trở thành nôi sản xuất lúa gạo - còn được gọi “vàng trắng”, phục hồi ngành trồng lúa, góp phần giúp nước Pháp vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực thời chiến tranh. 

Con cháu của các nhà trí thức, thương nhân, công nhân - những người đã tham gia và đóng góp cho hai phái đoàn Việt Nam (tại Choisy-le-Roi và Verrières-le-Buisson) của Hiệp định Paris năm 1973 - tự hào được trở thành một phần của dân tộc Việt Nam. Cha mẹ họ đã vinh dự nhận được Huân chương chống Mỹ cứu nước do Nhà nước Việt Nam trao tặng.

Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước phát triển mạnh, trong đó có mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Pháp ở nhiều lĩnh vực, những chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt kiều muốn có song tịch để có thể có điều kiện thuận lợi hơn cho những đóng góp về khoa học, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế... tại Việt Nam.

Ở Pháp, những người dân có 2 quốc tịch chiếm khoảng 5% dân số ở độ tuổi từ 18-50; 90% trong số đó là người nhập cư hoặc hậu duệ của người nhập cư. Gần một nửa số di dân đã có quốc tịch Pháp vẫn giữ quốc tịch gốc. Trong số những người nhập cư từ Đông Nam Á, những người có 2 quốc tịch rất hiếm (dưới 10%), trong khi hơn 2/3 số người nhập cư từ Bắc Phi, 55% người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và 43% người nhập cư từ Bồ Đào Nha có quốc tịch Pháp và của nước xuất xứ của họ. Không giống người nhập cư có nguồn gốc Ý hay Tây Ban Nha, những người từ các quốc gia khác đa số có song tịch khi họ trở thành người Pháp.

Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, việc nhập và xin trở lại quốc tịch Việt Nam được điều chỉ bởi khoản 2, Điều 19 và khoản 5, Điều 23, trong đó quy định người gốc Việt Nam xin nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp được Chủ tịch nước cho phép. Các quy định này là trở ngại chính mà người gốc Việt tại Pháp khó có thể xin nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam nếu họ còn muốn duy trì quốc tịch Pháp của mình. nghị định số 78/2009/NB-CP và Thông tư số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA cho phép những người có quốc tịch Pháp giữ quốc tịch, nếu có thể chứng minh bằng giấy khai sinh hoặc giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, Pháp và Việt Nam có những mối quan hệ đặc biệt: Pháp đóng vai trò làm cầu nối cho Việt Nam đến châu Âu; Việt Nam làm cầu nối cho Pháp đến ASEAN. Nếu những người là công dân của cả hai nước, họ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đóng góp chung cho những mục tiêu phát triển của cả Việt Nam và Pháp.

Theo quehuongonline.vn
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com