Toggle navigation
Giám đốc Halotel bị bắt tại Tanzania: Viettel nói gì?
10/06/2018 | 10:02 GMT+7
Chia sẻ :
Đại diện Viettel xác nhận việc ông Lê Văn Đại – Giám đốc Halotel (Công ty của Viettel tại Tanzania) bị triệu tập. Tuy nhiên cho rằng có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn Đại và thương hiệu Halotel.

Đại diện Viettel xác nhận việc ông Lê Văn Đại – Giám đốc Halotel (Công ty của Viettel tại Tanzania) bị triệu tập . Ảnh minh họa

Ngày thứ 4 vừa qua, các công tố viên Tanzania đã buộc tội giám đốc điều hành của 2 công ty điện thoại di động và 4 nghi phạm khác với tội danh trốn thuế.

Đáng chú ý, trong 2 lãnh đạo kể trên có một người quốc tịch Việt Nam là ông Le Van Dai, 35 tuổi - Giám đốc điều hành Halotel Tanzania - chi nhánh thuộc Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Người còn lại mang quốc tịch Ai Cập là Sherif El Barbary - Giám đốc điều hành Zantel.

4 nghi phạm khác, có 2 người mang quốc tịch Trung Quốc và 2 người Tanzania.

Trước thông tin trên, trong thông cáo gửi báo chí Viettel xác nhận ngày 6/6/2018 ông Lê Văn Đại – Giám đốc Halotel (Công ty của Viettel tại Tanzania) và ông Sherif El Barbary – Giám đốc Công ty viễn thông Zantel một công ty thuộc Millicom, đã bị toà án Tanzania triệu tập và lưu giữ.

"Việc triệu tập này là do chính phủ Tanzania vừa bắt một nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim cards và sim box (300.000 SIM) tình nghi là gian lận cước quốc tế trong đó có SIM của 02 nhà mạng Halotel và Zantel.

Việc cáo buộc nhà mạng Halotel có liên quan đến vụ việc này là cáo buộc một phía và chưa có kết luận chính thức từ tòa án Tanzania", đại diện Viettel thông tin.

Số lượng 300.000 SIM nghi ngờ để sử dụng cho mục đích gian lận cước là do nhóm người nước ngoài thu mua từ hệ thống đại lý phân phối của nhà mạng (tại Tanzania các nhà mạng đều phân phối SIM qua đại lý và hướng dẫn yêu cầu đại lý kích hoạt Sim theo quy định của pháp luật).

Vì thế Halotel không trực tiếp bán SIM cho đối tượng người nước ngoài bị tình nghi.

Đối với việc nhập khẩu, lắp đặt và sử dụng các thiết bị viễn thông nghi ngờ liên quan đến gian lận cước và qua mặt chính quyền quản lý là do nhóm người nước ngoài đang bị giam giữ thực hiện không liên quan đến Halotel.

"Hiện sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra của cảnh sát và tòa án nước sở tại. Halotel đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc, đồng thời đã thuê Công ty luật có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các trường hợp tương tự.

Hiện tại Halotel đang có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn Đại và thương hiệu Halotel trước các cáo buộc của tòa án", đại diện Viettel cho hay.

Năm 2017,Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) - đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel đạt xấp xỉ 13.000 tỷ doanh thu sau 3 quý đầu năm 2017. Chỉ tiêu này tăng hơn 2.000 tỷ so với cùng kỳ, tương đương mức tăng gần 20%. Đặc biệt, lợi nhuận gộp tăng 135% từ 1.250 tỷ lên 2.933 tỷ đồng.

Viettel Global ghi nhận 672 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng hơn 3.200 tỷ so với cùng kỳ năm 2016. 

Hiện lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel sẽ bao gồm lợi nhuận của Viettel Global và Viettel Peru (Bitel). Do các quy định về mặt pháp luật tại Peru, Tâp đoàn Viettel phải là chủ sở hữu trực tiếp của Bitel. Trong 6 tháng đầu năm, Bitel là công ty đem lại lợi nhuận từ nước ngoài lớn nhất (chiếm tới 40%) của Tập đoàn Viettel.

Trong tổng số hơn 100 triệu thuê bao di động trên toàn cầu của Viettel, hơn 35 triệu ở 10 thị trường nước ngoài. 

Theo Brand Finance đơn vị tư vấn định giá thương hiệu quốc tế, thương hiệu Viettel được xác định có giá trị nhất Việt Nam với 2,569 tỷ USD. 

Theo Hoàng Linh
Báo Sức Khỏe Cộng Đồng
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com