Toggle navigation
Cựu binh Việt kiều Australia thăm lại Trường Sa sau 20 năm
01/06/2018 | 06:03 GMT+7
Chia sẻ :
Lên đảo nào ở Trường Sa, ông Việt cũng tìm nhà hai tầng cũ, bởi ông từng là một trong những người đề xuất xây dựng chúng 30 năm trước. 


Ông Việt trong lần trở lại Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Biết một chiến sĩ trên đảo Sơn Ca sinh năm 1996, ông Vũ Quốc Việt vỗ nhẹ lên vai nam thanh niên, cười  nói: "Ui giời, tòa nhà này được xây từ khi các cháu còn chưa đẻ". Nơi họ đứng là căn nhà hai tầng quét vôi vàng, lát gạch bông với chuỗi phòng có cửa sơn màu xanh lá từ cách đây khoảng 30 năm.

Người đàn ông 63 tuổi đậm người, giọng nói chắc, khỏe của người từng làm lính, đội mũ cói rộng vành kiểu Australia, cứ thế bước phăm phăm đi tìm các tòa nhà doanh trại trên đảo.  Ông thuộc nằm lòng đường đi lối lại trong căn nhà xây năm 1991 ở đảo Sơn Ca, biết rõ tủ gỗ cũ này là của Cục Doanh trại phát cho bộ đội, trần nhà kia được gia cố lại. 

Bởi ông Việt là Đại tá,  nguyên Phó Cục trưởng cục Doanh trại (Tổng Cục Hậu cần), Bộ Quốc phòng.  Tốt nghiệp Đại học Xây dựng năm 1978, ông được phân công về Bộ Quốc phòng cùng hàng trăm kỹ sư các trường đại học, nhằm tăng cường cán bộ khoa học, kỹ thuật cho quân đội. Trải qua một thời gian học trường sĩ quan lục quân rồi sĩ quan hải quân, ông được phân công vào hải quân. Ô ng làm việc tại Bộ Quốc phòng từ năm 1983  cho đến khi nghỉ hưu. 

Cục Doanh trại có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Quốc phòng, đề xuất định hướng xây dựng, chế độ cho công binh, thiết kế, kiểm tra chất lượng,  nghiệm thu các công trình doanh trại. Trong giai đoạn 1991 - 1997, ông nhiều lần công tác tại các đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1. Khi ông mới đến Trường Sa đầu những năm 1990, các đảo chỉ có nhà một tầng. Đoàn công tác của ông sau đó đề xuất với Bộ về việc xây nhà hai tầng trên tất cả các đảo Trường Sa, để có sở chỉ huy bền vững, có đài quan sát tình hình trên cao, cũng như việc lập quy chế bồi dưỡng, tính lương cho chiến sĩ.


Ông Việt chỉ những viên gạch trong ngôi nhà cũ ở đảo Sơn Ca. Ảnh: Trọng Giáp

Sau khi nghỉ hưu một năm, vợ chồng ông Việt năm 2014 đến Melbourne sống cùng con, cháu để vui tuổi già, bởi các con ông đã định cư ở Australia. Ông Việt sống tại Australia gần 5 năm nay, vẫn nhớ và thường xuyên cập nhật tin tức của quê hương .

Chuyến công tác Trường Sa hồi tháng trước cùng khoảng 70 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, thăm 5 đảo nổi, 5 đảo chìm và một nhà giàn ở thềm lục địa phía nam là một dịp để ông ôn lại những kỷ niệm trong quân ngũ. Chuyến đi do  Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức. 

Với ông Việt, người đã đi hết cả khu vực phía nam và bắc quần đảo Trường Sa cách đây 20 - 30 năm, cơ sở vật chất trên đảo nay đã khang trang hơn, điều kiện sống, chế độ cho chiến sĩ đã được cải thiện phần nào.  Nhưng chính những hình ảnh tương phản khiến ông càng thương các chiến sĩ đóng quân khi xưa.

Nếu như nay, các đảo đã được lắp hệ thống phát điện chạy bằng năng lượng gió, Mặt Trời, có thể gọi điện về cho gia đình, được xem truyền hình số vệ tinh, thời đó, các chiến sĩ không có tivi, điện thoại, thư từ về cho gia đình còn hiếm, thường xuyên thiếu nước ngọt, gạo để hàng tháng lên mùi ẩm mốc. 

Với ông, ấn tượng sâu đậm nhất về Trường Sa là sức sống của con người và loài vật trên đảo. "Mỗi điểm đảo chỉ có 5 - 7 chiến sĩ, nuôi một, hai con gà, con chó. Khi tàu mình cập vào, gà, chó mừng lắm. Con gà ra vẫy cánh chào mừng, con chó vẫy đuôi mừng quýnh. Vì nó cô đơn quá", ông kể, rồi nghẹn giọng, mắt ngân ngấn nước. 

Đảo Thuyền Chài có ba điểm, cách nhau khoảng 7 km, nhưng các chiến sĩ vẫn cố bơi, lội qua bãi san hô để đến với nhau, bởi quanh năm họ chỉ nhìn thấy vài người cùng đảo. 

Văn công đến biểu diễn trên đảo, tối về tàu neo gần đảo lại biểu diễn trên tàu. "Những người lính "đói văn nghệ" quá, có người bơi ra tàu xem thêm lần nữa. Người lính Trường sa thiếu thốn vô cùng, nhưng khi đoàn lên ăn cơm trên đảo thì họ có món gì quý nhất đều đem ra chiêu đãi 'người đất liền'", ông Việt kể. Chứng kiến điều kiện khó khăn của chiến sĩ, nhiều cô văn công thương quá, khóc không thể hát câu nào.

Những ngày gian khổ ấy, cùng học lớp Đại học với ông có đại tá Hoàng Duy Lập, khi đó là tiểu đoàn trưởng, sau là Trung đoàn trưởng E83 Công binh Hải quân. Người đàn ông cao to chỉ huy thi công các công trình ở Trường Sa lâu ngày, áo quần bạc phếch, rách tả tơi. Thương đồng đội, lúc về, ông Việt chỉ giữ lại bộ mặc trên người, nhường lại hết quần áo cho bạn, chúng nhỏ hơn nhiều so với cỡ người ông Lập.

Ông Việt (thứ hai từ phải) tại một doanh trai một tầng tại Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trở về Trường Sa những ngày cuối tháng 4, ông Việt được dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa và ở thềm lục địa phía nam Tổ quốc,  thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng tàu không số, trên đảo Phan Vinh, thăm chùa đảo Sinh Tồn, nơi có bia ghi danh 64 liệt sĩ hy sinh trong vụ thảm sát của Trung Quốc ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Ông đã khóc khi gọi điện tâm sự với Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 83 Công binh hải quân, về chuyến trở về Trường Sa lần này.

Phát biểu kết thúc hành trình, ông đề xuất  in những tờ rơi bằng các thứ tiếng, với sự hỗ trợ dịch thuật của kiều bào, nhằm giúp người nước ngoài và các thế hệ người Việt ở nước ngoài hiểu hơn về công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.  " Bộ Ngoại giao cần có tài liệu thống nhất nói về Hoàng Sa và Trường Sa thật rõ ràng, ngắn, đủ, có hình ảnh, có chứng cứ, dịch ra các thứ tiếng, để mọi thế hệ kiều bào ta có thể hiểu rõ, trên cơ sở đó nhân bản để chia sẻ với tất cả các nước mà mình sinh sống", ông Việt đề xuất. 

Quay về nhà ở Australia, những ngày gần đây, đọc tin tức về việc Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa,  điều máy bay ném bom, đưa tên lửa đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Việt không kìm nén được sự phẫn nộ.  "Một nước lớn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà hành xử không đàng hoàng, bất chấp luật pháp quốc tế là điều đáng bị lên án. Dân tộc Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa, lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng và không thể chối cãi của Tổ quốc", ông nói với VnExpress từ Melbourne. 

Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014,  ông đã cùng khoảng 300 người Việt tại Australia, cầm cờ, hô khẩu hiệu biểu tình, phản đối hành động của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước tổng lãnh sự quán nước này tại Melbourne.

Ông Việt trong một chuyến công tác ở Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo Trọng Giáp
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com