Toggle navigation
Cô gái Việt giảm 40 kg để trở thành cảnh sát tại Hàn Quốc
10/08/2019 | 10:10 GMT+7
Chia sẻ :
Ngày sinh xong con thứ ba, Hồng Minh háo hức nghĩ tới ước mơ làm cảnh sát nhưng rồi khựng lại trước thân hình nặng tới 100 kg của mình.
Nguyễn Hồng Minh hiện là nhân viên sở cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Jeolla Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Hồng Minh hiện là nhân viên sở cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Jeolla Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 8 năm ngoái, Nguyễn Hồng Minh được nhận vào làm việc tại sở cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Jeolla Nam, trở thành một trong 7 nữ cảnh sát người Việt tại Hàn Quốc. Ở tuổi 33, việc hiện thực hóa ước mơ với Minh không bao giờ là muộn bởi làm cảnh sát là mục tiêu mà cô đã theo đuổi suốt nhiều năm và phải đối đầu với nhiều thử thách mới đạt được.

"Việc trở thành cảnh sát cho mình cơ hội được góp một phần sức lực bé nhỏ cho cộng đồng người Việt đang sống ở đất Hàn", Minh nói.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, sau khi tốt nghiệp cấp ba, Minh quyết định du học tại trường Đại học Chosun, Hàn Quốc, chuyên ngành kinh tế. Trong thời gian đi học, cô thỉnh thoảng tham gia thông dịch ở các sở cảnh sát và sở cư trú, biên dịch các tài liệu cho tòa án. Từ đây, Minh gặp rất nhiều trường hợp người Việt vô tình phạm pháp vì chưa thành thạo tiếng Hàn và chưa hiểu biết nhiều về luật pháp nước sở tại. 

"Nhiều người Việt bị bắt vì những lỗi không đáng có và nếu họ nắm rõ luật thì sẽ không xảy ra việc phạm pháp", cô nói. "Những lúc như thế, tôi ước gì mình là một cảnh sát để có thể tuyên truyền luật pháp cho cộng đồng người Việt, giúp giảm thiểu những trường hợp phạm pháp ở Hàn Quốc".

Sau khi tốt nghiệp đại học, Minh làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu gần 6 năm nhưng ước mơ làm cảnh sát trong cô vẫn không nguôi. Hình ảnh những nữ cảnh sát khoác trên mình bộ sắc phục mạnh mẽ, xử lý các vụ án đầy quyết đoán vẫn theo cô cho đến cả khi kết hôn với người chồng Hàn Quốc rồi mang bầu và lần lượt sinh một bé gái và hai bé trai.

Sau khi sinh con thứ ba, Minh quyết định đã đến lúc phải hiện thực hoá ước mơ. Cô xin nghỉ việc ở công ty xuất nhập khẩu và bắt đầu hành trình chuẩn bị cho kỳ thi vào ngành cảnh sát nhưng ngay lập tức đối mặt với trở ngại đầu tiên đó là giảm cân. 

"Sau sinh, cân nặng của mình gần chạm ở mức 100 kg", Minh nhớ lại. "Với số cân nặng khổng lồ đó, mình biết sẽ không thể nào vượt qua được vòng thể lực nên đã đặt ra mục tiêu giảm cân".

Ngoài thời gian chăm sóc con cái và nhà cửa, cô tranh thủ chạy bộ và tập các bài tập theo video hướng dẫn trên mạng. Minh đồng thời áp dụng chế độ ăn uống khắt khe, tăng protein, giảm chất béo và chất đạm. Trước khi ăn bất cứ món gì, cô đều tính toán để cân bằng lượng calori nạp vào và thải ra. Nhờ nỗ lực, sau 10 tháng luyện tập và ăn kiêng, Minh đã giảm được hơn 40kg.

Nguyễn Hồng Minh và chồng con trong ngày bổ nhiệm vào sở cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Jeolla Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Hồng Minh và chồng con trong ngày bổ nhiệm vào sở cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Jeolla Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những tưởng giảm được cân nặng rồi thì chỉ việc tập trung vào ôn luyện các kiến thức, thế nhưng Minh lại một lần nữa phải trăn trở. Theo quy định, để gia nhập ngành cảnh sát, Minh phải mang quốc tịch Hàn Quốc, điều đó có nghĩa là cô sẽ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam nếu theo đuổi ước mơ.

"Mình đã rất đắn đo có nên từ bỏ quốc tịch mẹ đẻ hay không. May mắn là mình được gia đình ủng hộ. Mình vẫn nhớ lời ba mẹ động viên rằng 'dù con có từ bỏ quốc tịch, ba mẹ vẫn luôn ở bên con, con từ bỏ quốc tịch Việt Nam nhưng trở thành cảnh sát, con có thể giúp đỡ được cộng đồng người Việt ở bên đó'. Nhờ có sự ủng hộ của ba mẹ, mình đã đến đại sứ quán xin bỏ quốc tịch Việt Nam và đăng ký thi cảnh sát".

Trải qua 3 tháng dự thi kiến thức và thể lực, Minh đỗ vào ngành cảnh sát nhưng sau đó cô phải tiếp tục huấn luyện 6 tháng cả ngày lẫn đêm về nghiệp vụ và thực tập thêm 2 tháng mới được bổ nhiệm vào làm việc. Hiện Minh là cảnh sát hình sự chuyên điều tra các vụ bạo hành gia đình, bạo lực học đường và các vụ mất tích.

Ban đầu, cô cũng khiếp sợ khi phải đối mặt với cảnh chết chóc, máu me nhưng đã chọn nghề này, Minh xác định đây là một phần công việc và dần dần thành quen. Làm cảnh sát cũng có nghĩa là Minh phải hy sinh khoảng thời gian dành cho bản thân và gia đình. Có những khi nửa đêm cô mới về đến nhà, sáng hôm sau lại phải ra hiện trường vụ án từ lúc tờ mờ.

"May mắn là sau giờ làm ở công sở, chồng mình vừa đảm đang việc nhà vừa trông con giúp vợ", Minh cho hay. "Có chồng luôn ủng hộ nên mình rất yên tâm để công tác".

Gác lại những vất vả, điều khiến Minh hạnh phúc nhất khi trở thành cảnh sát là có cơ hội xử lý nhiều vụ án liên quan tới người Việt ở địa phương và góp phần hỗ trợ họ như mong muốn trước đây. 

Minh vẫn nhớ có lần cô gặp một lao động Việt rơi vào bế tắc do bị lừa tiền nhưng không dám báo cảnh sát do đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Một kẻ cò mồi đã hứa giúp người này có được visa lao động hợp pháp và lừa anh chuyển 2 triệu won (hơn 40 triệu đồng) tiền phí. Nhờ được Minh động viên và giải thích rõ về quy định luật pháp, người này mạnh dạn trình bày sự việc với cảnh sát, khiến kẻ lừa đảo sợ hãi và trả lại số tiền.

"Rất nhiều người Việt ở đây nghĩ rằng cảnh sát sẽ bắt những người cư trú bất hợp pháp nhưng không phải vậy, đó là việc của sở cư trú", Minh nói. "Vì vậy, mình muốn nhắn nhủ rằng nếu các bạn là người bị hại, dù có cư trú bất hợp pháp cũng đừng ngại tố cáo".

Hồng Minh (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp ở sở cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Jeolla Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hồng Minh (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp ở sở cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Jeolla Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh cũng thường xuyên xử lý các vụ bạo hành gia đình liên quan tới các cô dâu người Việt và cô cho rằng tỷ lệ không hề thuyên giảm, thậm chí ngày càng tăng. Tuy nhiên, đây lại là một tín hiệu đáng mừng bởi nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn mà các chị em phụ nữ Việt đã mạnh dạn báo cảnh sát để được bảo vệ, thay vì ngại ngùng, che giấu mỗi lần bị chồng hành hung như trước đây.

"Hầu hết các cô dâu Việt không thông thạo ngôn ngữ và văn hóa của Hàn Quốc. Người chồng thì bắt vợ mình phải biết tiếng và văn hóa bản địa mà bản thân ko chịu học tiếng mẹ đẻ và văn hóa của vợ nên dẫn đến hiểu lầm từ hai phía và bạo hành xảy ra", Minh cho biết.

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam năm 2018 cho hay có khoảng 6.000 phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Hàn Quốc mỗi năm, chiếm số lượng lớn nhất trong số cô dâu ngoại tại nước này. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị chồng bạo hành, trong đó các hình thức bạo hành phổ biến nhất là xúc phạm bằng lời nói, cưỡng ép hoặc lạm dụng tình dục.

Theo Minh, số vụ bạo hành có xu hướng tăng lên vào mùa hè, khi thời tiết nóng nực và đàn ông Hàn Quốc uống nhiều rượu hơn. "Nhiều người chồng không uống rượu thì rất tử tế, còn khi uống rượu vào thì đè vợ mình ra đánh", cô nói.

Vì thế, ngoài công việc ở sở cảnh sát, Minh còn đến trung tâm hỗ trợ gia đình văn hóa để tuyên truyền luật pháp cho các cô dâu Việt. Cô cho rằng trước khi quyết định lấy chồng ngoại quốc, phụ nữ Việt cần trang bị cho mình ngôn ngữ và các hiểu biết về văn hóa bản địa để có một nền tảng cơ bản cho cuộc sống hôn nhân.

"Tuy nhiên, mọi thứ đều phải có nỗ lực từ hai phía thì mới đạt kết quả. Mình cho rằng khi phỏng vấn cấp visa, sở di trú cần kiểm tra trình độ ngoại ngữ và hiểu biết nhất định của hai bên", Minh nói.

Minh cũng đang mở một lớp dạy tình nguyện tiếng Việt vào các buổi tối hàng tuần cho những trẻ em có mẹ là người Việt Nam để các em có thể nói chuyện bằng tiếng Việt với mẹ và ông bà ngoại, đồng thời hiểu biết và tự hào về quê hương. Chính chị cũng là cô giáo tiếng Việt cho con gái ở nhà.

Nhìn cảnh vợ thức khuya dậy sớm, vừa đi làm ở sở cảnh sát vừa đi dạy và tư vấn, anh Park, 40 tuổi, chồng của Minh, vừa tự hào vừa thương vợ.

"Tôi trân trọng sự nỗ lực của vợ khi quyết định thi vào ngành cảnh sát bởi vợ tôi là người ngoại quốc và điều này không phải dễ dàng, kể cả với người Hàn Quốc", anh nói. "Tôi rất thương cô ấy nên cố gắng hỗ trợ việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn để vợ an tâm công tác".

Với Minh, đã vượt qua nhiều thử thách để hiện thực hoá giấc mơ làm cảnh sát thì cũng không có lý do gì để cô ngần ngại những khó khăn đang và sẽ tới. "Với cương vị là một cảnh sát, mình sẽ cố gắng hết sức để giúp cộng đồng người Việt hòa đồng nhanh với cuộc sống nơi xứ người", cô nói.

Theo Anh Ngọc 
Vnexpress
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com