Toggle navigation
Chàng Việt kiều Canada ấp ủ đẩy mạnh blockchain ở quê nhà
17/05/2018 | 06:00 GMT+7
Chia sẻ :
Sinh ra ở Canada nhưng Kimble Ngo sớm ấp ủ mong ước được sống ở Việt Nam và góp phần tạo nên những thay đổi lớn trong ứng dụng blockchain. 


Kimble Ngo mong muốn Việt Nam có thể cạnh tranh với Singapore để thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Trong sự kiện giới thiệu về công nghệ blockchain do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức vào giữa tháng 3/2018, Kimble là một trong hai diễn giả chính.  X uất hiện với vẻ ngoài hào hoa, cách nói chuyện cuốn hút, Kimble dễ khiến cho những người đối diện nghĩ rằng anh đang làm trong lĩnh vực giải trí. 

Blockchain là một công nghệ mới giúp lưu trữ và truyền tải thông tin giữa các bên liên quan, có thể giúp tránh gian lận trong kinh doanh. Đây là một trong những xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ về chặng đường của một chàng trai sinh ra ở Canada về Việt Nam phát triển sự nghiệp,  Kimble  nói tiếng Việt  bằng chất giọng miền Nam  trôi chảy, nhưng đôi lúc nhầm dấu câu một cách ngộ nghĩnh. 

"Tôi không hề ý thức về nguồn gốc của mình trong suốt tuổi ấu thơ",  Kimble kể với phóng viên VnExpress .  Xung quanh cậu bé Kimble khi đó, ở  khu dành cho dân nhập cư tại Ottawa , ai cũng khác biệt vì mọi người đến từ các vùng khác nhau như Campuchia, Hong Kong, Trung Đông, châu Phi và cả Đông Âu.  Sinh năm 1986, Kimble có tên tiếng Việt là Duy .

Tới lúc Kimble bước sang tuổi thiếu niên, gia đình chuyển đến một khu khác, dân cư phần lớn là người da trắng. Điều đó làm cậu thấy rõ hơn sự khác biệt của cộng đồng những người thiểu số, trong đó có cả bản  thân mình, từ màu da, gương mặt đến cách sinh hoạt. Những câu hỏi liên tiếp đặt ra trong đầu Kimble "mình là ai, Việt Nam ở đâu, là quốc gia thế nào, có lịch sử ra sao". Để giải đáp những thắc mắc, Kimble hỏi ba mẹ và bà ngoại về nhiều chuyện của gia đình trước khi đến Canada.  Khi nghe họ kể về những kỷ niệm đẹp thuở còn ở Việt Nam, về nơi họ sống ở Huế và Đà Nẵng, về trường học, hàng xóm, sự tò mò về đất nước này cứ lớn dần lên.

Kimble say sưa tìm kiếm các cuốn sách nói về Việt Nam ở trường đại học  McMaster, khi theo học chuyên ngành thương mại và khoa học chính trị. Dần dần,  cậu hiểu về chiến tranh, về những khó khăn của ba mẹ  trong những ngày đầu đến Canada,  trước khi họ kết hôn,  và cả những tranh luận trái chiều hậu cuộc chiến. 

"Chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp ở Canada, nhưng điều gì đã làm nên con người ba, con người mẹ, vì sao họ có những cách suy nghĩ như thế. Vậy là tôi ấp ủ ý định sẽ về Việt Nam để tận mắt thấy nơi mà gia đình mình gọi là quê hương", anh nhớ lại.

Năm 2007, Kimble lần đầu đến Việt Nam, tham gia xây dựng  AIESEC, một tổ chức dành cho sinh viên quốc tế, tại trường đại học RMIT ở Sài Gòn.  AIESEC tạo cơ hội cho sinh viên các nước đến các quốc gia khác tìm việc làm  nhằm có những trải nghiệm mới. 

Khi ấy, chàng trai trẻ không ngạc nhiên về khung cảnh của Sài Gòn, vì anh đã từng đến một số nước đang phát triển ở Mỹ Latinh. Anh thấy thú vị là thành phố này có đôi chút giống với Cộng hoà Dominica, một quốc gia ở vùng Caribe, thiếu một số dịch vụ cao cấp, tiện ích như là đèn đường, hệ thống chiếu sáng ban đêm.

"Hình ảnh một nước nghèo  không tệ như tôi từng nghĩ, điều tôi cảm nhận rõ hơn là mọi người ở đây đang có một cuộc sống thoải mái và hạnh phúc", Kimble nói về ấn tượng đầu tiên về Sài Gòn.

Anh nhận thấy người dân không cần có cuộc sống "đẳng cấp" như của người phương Tây, họ chỉ có xe máy, có một công việc ổn định, có một mái nhà và họ hài lòng với điều đó. Kimble đi đâu cũng gặp được những người có thái độ thân thiện, vui vẻ. 

Trong 5 tháng ở Sài Gòn, Kimble đã suy nghĩ rất nhiều. Anh băn khoăn vì sao người Việt thông minh, năng động như thế, nhưng thu nhập bình quân vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Với những nguồn lực sẵn có, Kimble cho rằng  đất nước phải có một vị trí đáng kể trên thế giới.  Chàng thanh niên yêu thích cuộc sống ở Việt Nam, một phần là vì anh có thể nói và nghe tiếng Việt thành thục. Lúc đó anh cảm thấy biết ơn bà ngoại vô cùng, vì bà là người chăm sóc và dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho mình. 

"Tôi ở với bà từ nhỏ, vì ba mẹ bận đi làm. Bình thường đi học tôi nói tiếng Anh, nhưng về nhà phải nói tiếng Việt với bà, không thì bà cho nhịn ăn luôn", Kimble  cười lớn, kể lại kỷ niệm thú vị. 

Chuyến đi năm đó đã khiến Kimble đưa ra quyết định làm thay đổi cuộc đời, anh thông báo với gia đình rằng mình sẽ tìm việc làm và sống ở Việt Nam luôn . Anh muốn đóng góp công sức để giúp đất nước phát triển hơn, có một chỗ đứng trên thế giới vì Việt Nam có nhiều tiềm lực để hiện thực hoá điều đó. Mọi người đều ngạc nhiên trước quyết tâm của Kimble, thậm chí cả ba mẹ anh cũng phản đối, lo sợ anh có thể gặp những bất trắc ở một nơi kém tiện nghi hơn Canada. Là con cả trong nhà, Kimble được kỳ vọng sống gần gia đình như cậu em trai của mình. 

Để trấn an gia đình, Kimble chọn Singapore làm điểm đến trước, từ đó sẽ "tìm đường về Việt Nam". Năm 2010, anh làm cho ngân hàng UBS của Thuỵ Sĩ, trải qua các  vị trí như quản lý dịch vụ khách hàng, phân tích rủi ro, quản lý dự án. Anh cũng làm quản lý nhiều dự án triệu đô và hợp tác với  Samsung, Pepsi, Nestle.  Dù có mức lương được xem là "đáng mơ ước" với nhiều người,  Kimble vẫn không thay đổi ý định một ngày sẽ về lại Việt Nam.

Năm 2014, Kimble bắt đầu để mở kênh phân phối rượu về Việt Nam thì bất ngờ gặp phải đối tác "ma" và bị mất một lượng hàng đáng kể. Người thân và bạn bè an ủi, khuyên anh nên từ bỏ và trở về Canada nhưng  Kimble không nản lòng, anh cho rằng ở đâu cũng có người xấu và người tốt.  Hai năm sau, cảm thấy thời gian "chững" đã mất khá lâu, Kimble rời bỏ ngân hàng UBS để đến Sài Gòn, vì anh chỉ định ở Singapore khoảng hai đến ba năm.  

Ở Việt Nam, Kimble thử sức ở rất nhiều lĩnh vực như làm về mạng xã hội,  công nghệ thông tin và  khối start up. Dần dần nhiều người thân trong gia đình ủng hộ anh theo đuổi cuộc sống mình mong ước. Kimble đã nhiều lần đưa ba mẹ và bà ngoại về thăm Việt Nam, họ bớt ngần ngại và  có cái nhìn tích cực hơn  vì đất nước có nhiều thay đổi.

Cơ duyên với công nghệ thời cách mạng 4.0
Có sẵn kinh nghiệm làm trong ngành ngân hàng, startup và marketing, Kimble dành nhiều thời gian tìm hiểu về blockchain.  Với công nghệ này, các doanh nghiệp có thể thảo hợp đồng với đối tác, theo dõi tiến độ giao dịch trên mạng. Công nghệ mới ngăn chặn một bên sửa đổi thông tin và cho phép truy xuất nguồn gốc, quyền sở hữu  hàng hóa.   Blockchain có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như  tài chính, ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông. 

Cuối tháng 11/2017,  Kimble tình cờ gặp  Lê Xuân Khánh , một chuyên gia IT tại Sài Gòn, người cùng có mối quan tâm đặc biệt đối với blockchain. Hơn thế, hai người còn có chung tham vọng đưa công nghệ mới này phát triển ở Việt Nam, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không lâu sau, họ quyết định thành lập công ty  Công ty  AMBlockchain , cùng một người bạn đến từ Australia. Trong khi Khánh là người nghiên cứu và phát triển công nghệ, Kimble đảm nhận vị trí cố vấn, giúp các doanh nghiệp hiểu về cách vận hành và lợi ích mà blockchain mang lại. 

Về phía Khánh, anh cho biết mình muốn hợp tác với Kimble vì người bạn này có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, am hiểu về công nghệ, biết cách truyền tải khái niệm đến mọi người một cách dễ hiểu. Thế giới đã đi trước Việt Nam 10 năm về công nghệ blockchain, trong khi giới IT cần nghiên cứu thêm thì sự hiểu biết nói chung của xã hội rất cần thiết. Trên thực tế, một số người đã bị lừa khi sử dụng blockchain nên họ không coi đây là công cụ tốt.

"Để phát triển blockchain, mọi người cần gặp gỡ để trao đổi nhiều hơn. Các hoạt động cộng đồng rất quan trọng để công nghệ này trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Kimble là người đẩy mạnh hoạt động đó", Khánh nói. 

Kimble đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa đủ minh bạch, thông tin "còn mờ", luật pháp quy định cũng không rõ ràng. Chẳng hạn khi anh cần mua một căn nhà, nhờ đến ba luật sư thì ba người nó các cách thức khác nhau, khiến anh không biết tin ai. Do đó, mục tiêu của anh là  giúp  mọi người hiểu biết về blockchain, ngăn chặn các ý đồ xấu trong giao dịch,  biến nó thành công cụ giúp cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên minh bạch hơn.  Anh cho hay có nhiều nhà đầu tư Việt kiều muốn làm ăn tại Việt Nam nhưng họ còn chần chừ vì  có những rào cản do luật pháp, quy định chưa rõ ràng.

Trong Tuần lễ Blockchain Việt Nam hồi đầu tháng 3/2018, hội nghị quốc tế đầu tiên về công nghệ mới này tại Việt Nam,  thu hút hơn 2.500 người tham dự,  Kimble là một trong các diễn giả chính. Với nỗ lực  trao đổi với các bộ ngành, các công ty lớn và khối start up về hiệu quả to lớn mà blockchain mang lại. Đầu tháng 4, Kimble và Khánh đến Hà Nội để trao đổi với một số đối tác về blockchain, trong đó có Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin Truyền thông. 

Hiện Kimble và các đối tác hỗ trợ cho các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như  NEM.io (mạng lưới toàn cầu cung cấp nền tảng blockchain cho các doanh nghiệp),  GreeOx (giúp các công ty đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo),  Công ty Glorious của Canada (chuyên về blockchain trong lĩnh vực hậu cần),  CoderSchool là trường có chương trình giảng dạy được phát triển ở thung lũng Silicon, Mỹ.

Nói về khó khăn khi xúc tiến công việc ở Việt Nam, Kimble nói vui, "đó chính là tiếng Việt". Anh tiết lộ mình nói và nghe tiếng Việt tốt, nhưng lại không viết và đọc thành thạo, tiếc là hồi nhỏ đã không chăm chỉ học như lời bà dạy. 

Anh tỏ ra rất tự tin với việc chọn blockchain làm  định hướng phát triển của mình, nhận định nếu  môi trường kinh doanh của Việt Nam minh bạch hơn thì sẽ trở thành điểm ở châu Á "hút" nhiều nhà đầu tư. Thời gian làm việc ở Singapore giúp anh hiểu rằng nhiều công ty của nước ngoài tập trung hoạt động ở đó, rồi mới phát triển thị trường sang Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia,  vì các nước xung quanh chưa thể hiện được sự minh bạch.

"Vì sao mình không làm cho môi trường ở Việt Nam trở nên cạnh tranh với Singapore. Tôi muốn là người thực hiện điều đó", Kimble khẳng định.

Theo Khánh Lynh
Vnexpress

Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com