Toggle navigation
Nỗ lực truyền dạy tiếng Việt nơi xa xứ
27/02/2020 | 04:26 GMT+7
Chia sẻ :
Cô giáo Trần Thanh Hằng, hiện đang định cư tại Áo luôn mong muốn tiếp thu được kiến thức để về tổ chức lớp và giảng dạy tiếng mẹ hiệu quả ở nước sở tại.
Về Việt Nam tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, cô giáo Trần Thanh Hằng, hiện đang định cư tại Áo luôn mong muốn tiếp thu được kiến thức để về tổ chức lớp và giảng dạy tiếng mẹ hiệu quả ở nước sở tại. Bởi tại Áo, việc dạy và học tiếng Việt còn nhiều khó khăn. Quý thính giả sẽ hiểu được phần nào về  những nỗ lực của những người đi gieo chữ Việt qua ghi chép sau đây:
 
Ngại khi chia sẻ về công việc dạy tiếng Việt vì cô giáo Hằng nói rằng: tại Áo, việc dạy tiếng Việt khá khó khăn và chưa hiệu quả so với các quốc gia khác ở Châu Âu. Vì vậy, cô thường xuyên trao đổi với những cô giáo ở các nước, nhất là Ba Lan, nơi có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức và giảng dạy tiếng mẹ cho con em người Việt ở nước ngoài.

Nỗ lực để mang ngôn ngữ dân tộc đến với con em người Việt ở nước ngoài, nhiều năm nay, cho dù chưa bao giờ giảng dạy, nhưng cô Trần Thanh Hằng đã tự tổ chức ra nhiều lớp tiếng Việt với mong muốn phát triển ngôn ngữ mẹ trong cộng đồng người Việt tại Áo. Tuy nhiên, các khóa giảng dạy tiếng Việt cũng chỉ tồn tại được một thời gian.Chia sẻ về thực trạng này, cô Hằng cho biết:Chúng tôi dạy theo khóa, tức là 8 tuần, Một năm tổ chức thường 2 lần trong năm, được 2 đến 4 lớp. Đa phần không giữ vững được vì thiếu giáo viên và chất lượng giảng dạy chưa tốt vì thế nên các cháu cũng bỏ dần

Nỗ lực truyền dạy tiếng Việt nơi xa xứ - ảnh 1
Cô giáo Thanh Hằng tham dự  lớp tập huấn tiếng Việt

Đó là lý do mà cô Trần Thanh Hằng quyết định đăng ký tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt dành cho các thầy giáo, cô giáo kiều bào với mong muốn, sẽ tiếp thu nhiều phương pháp một cách bài bản, khoa học, hiệu quả, đồng thời qua lớp học, cũng nghe được nhiều kinh nghiệm cũng như chia sẻ với các thầy cô giáo ở các nước về phương pháp tổ chức và giảng dạy. Một bài học mà cô Hằng và hầu hết các thầy, cô giáo rút ra, đó là, vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc truyền tải ngôn ngữ này cho các thế hệ sau:Cái đấy là quan trọng đến 60%. Nếu các phụ huynh có ý thức dạy tiếng Việt cho các con tiếng Việt trong gia đình từ khi còn nhỏ thì các cháu sẽ vững, ít nhất là nói và đọc tốt, viết hơi khó nhưng nói và đọc các cháu sẽ biết

Cô giáo Thanh Hằng cho rằng, mặc dù người Việt ở Áo luôn muốn giữ tiếng nói cho các thế hệ sau nhưng để làm được điều này không đơn giản. Cha mẹ ý thức được sự cần thiết gìn giữ ngôn nhưng do quá bận mải kiếm sống nên  cũng khá là khó khăn để sắp xếp đưa con em tới lớp: Chắc chắn ai cũng muốn con mình nói được tiếng Việt. Tuy nhiên, sự nhiệt tình và hoàn cảnh làm việc, hoàn cảnh sống khó khăn cho họ nên việc dạy và học tiếng Việt cũng chưa thực sự được tốt

Lý do lớn hơn cả để tiếng Việt được gìn giữ ở nước ngoài, chính là tâm huyết của những người đi gieo chữ. Có trường lớp, trang thiết bị giảng dạy đầy đủ và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh cũng như các  em nhỏ, nhưng nếu không có những thầy, cô giáo tâm huyết với nghề, mong muốn gìn giữ tiếng nói dân tộc thì sẽ là trở ngại lớn. Giải quyết những vướng mắc này là mong muốn của cô Trần Thanh Hằng khi nói đến những dự định trong tương lai: Nói chung sẽ là khó khăn, mọi chuyện sẽ thay đổi, thay đổi từ phương pháp dạy, thay đổi trong cách vận động bố mẹ, vận động các con. Thay đổi về thời gian, địa điểm. Tìm những người có tâm, muốn mang kiến thức của mình để dạy cho các con bên đó. Những người có trình độ rất nhiều nhưng để có tâm huyết, hy sinh thì đấy là một khó khăn. Nếu mình tìm được khoảng 5 cô có tâm huyết thì không thành vấn đề. Nói chung là  phải có tâm huyết,  muốn giữ tiếng Việt, phải coi tiếng Việt là gì đó rất thiêng liêng thì sẽ làm được

Trong ánh mắt của cô giáo Trần Thanh Hằng, ánh lên niềm vui và cả hy vọng, sự trân quý đối với ngôn ngữ của dân tộc từ những người con xa xứ. Những gì mang lại cho cô trong các bài giảng, các buổi thảo luận sẽ giúp cô có những tìm tòi, sáng tạo hơn trong cách thức tổ chức và giảng dạy ở nước sở tại. Và tiếng Việt sẽ được gìn giữ và tỏa sáng ở bất kỳ nơi nào có cộng đồng người Việt, có những người luôn trăn trở với chữ Việt Nam.

Theo Hân My
VOVWORLD
Chia sẻ :
Từ khóa:
Other news
Gửi thảo luận trên Facebook

 Ban biên tập báo điện tử Vglobalnews
Địa chỉ: Bangkok-Thailand
Email: 
vglobalnews@gmail.com